Điểm đến Gia Lai

Gia Lai miền nhớ: Một thời… củ mài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Củ mài là loại củ mọc hoang dã trên rừng, vốn đã quá quen thuộc với những lớp người của thập niên 60-70 thế kỷ trước. Loại củ này từng nuôi sống người dân vùng sâu trong những mùa giáp hạt hoặc cứu đói cho những ai lạc rừng dài ngày.



Đầu mùa xuân là lúc củ mài già nhất và nhiều tinh bột nhất. Còn nhớ, cách đây trên 30 năm, trong những chuyến công tác xuống các làng vùng sâu thuộc huyện Kông Chro, tôi từng có dịp theo chân vợ chồng anh Nglưu (làng Ya Ma, xã Yang Nam) lên rừng tìm củ mài. Bữa ăn đầu ngày trước khi lên đường là một rá cơm độn củ mài đầy ắp và một bát canh củ trộn lá mì, cà đắng, rau rừng hỗn hợp. Nhìn những miếng củ mài màu trắng đang bốc khói, anh Nglưu nói: “Ăn no đi em, mình cùng lên rừng tìm nữa, nhà còn từng đó củ thôi!”. Tôi nhón tay lấy một miếng, nhai chầm chậm thì thấy tan trong miệng vị mặn, bở, bùi, thơm ngon. Bát canh rau cũng dậy lên một mùi thơm đặc trưng của núi rừng, không thể nào quên được. 

Củ mài. Ảnh: internet
Củ mài. Ảnh: internet



Xong bữa sáng, chúng tôi men theo sườn núi, nơi cây rừng đã lên cao bao phủ những khu rẫy cũ để tìm củ mài. Phát hiện một chùm dây leo to bằng ngón tay từ dưới đất mọc lên, thân dây có đốt, khía 4 cạnh quấn lên thân cây rừng, lá hình trái tim to như bàn tay xòe đã ngả màu vàng úa, anh Nglưu liền bước lại gần. Sau đó, anh cẩn thận dọn sạch cỏ cây xung quanh gốc rồi tiến hành đào. Sau nhát cuốc đầu tiên bóc lớp đất màu lên đã thấy ló ra phần đầu củ mài. Vợ anh cẩn thận dùng lưỡi thuổng to chỉ bằng bàn tay xắn xuống xung quanh củ theo hình vành khăn, nạy đất lên. Khi độ sâu đạt chừng 50-60 cm, chị không đào nữa mà ngồi chờ anh Nglưu đang đi đâu đấy. Khi trở lại, trên tay anh là một cây lồ ô già, vạt chéo một đầu, chẻ ra làm 6 cánh. Anh tiếp tục dùng cây lồ ô này cắm xung quanh củ mài đang ăn sâu xuống lòng đất. Sau mỗi lần cắm xuống, số đất tràn vào ống được anh kéo lên đổ đi và cứ làm vậy nhiều lần. Gặp đoạn đất cứng, anh đổ nước xuống cho đất tơi ra, dùng thuổng xăm rồi lại tiếp tục quy trình. Khi đào sâu khoảng hơn 1 m, thấy củ mài lộ ra một đoạn dài, anh Nglưu cầm lắc mạnh nhiều lần cho gãy ngang để lôi lên. Tôi thắc mắc: “Sao không đào nữa, củ còn lớn mà!”. Anh cười hiền: “Đào hết phải hơn 2 sải tay nữa, sao đào nổi, để đó mai kia dây mọc lại còn có củ mà đào”.

Phần củ mài vừa được mang lên to như bắp chân người lớn. Lớp vỏ mỏng bên ngoài màu xám nâu, xung quanh tua ra những rễ mành, dày theo thân củ như lông bám. Vợ anh Nglưu chặt củ ra từng đoạn, lộ ra phần ruột màu vàng mỡ gà, đặc sệt tinh bột. Sau đó, chị lần lượt sắp tất cả vào gùi.

Trời đã quá trưa, cũng là lúc bụng đói. Sẵn bếp lửa đang cháy hừng hực, tôi nôn nóng cho một đoạn củ vào giữa bếp để nướng. Thấy vậy, anh Nglưu bảo: “Em nướng thế không chín đâu, phải làm thế này trước khi nướng”. Nói rồi, anh chẻ nhỏ củ mài ra làm 4 đoạn, cắt bỏ những đoạn đầu già, xiên vào những cây que và cắm xuống đất cạnh đống than, thi thoảng lại xoay trở cho củ chín đều. Phần đầu già cắt ra khi nãy được anh moi đất lên, cắm xuống và lấp đất lại. Anh bảo: “Ăn hôm nay phải nhớ đến người sau, để họ có củ mà đào”.

Cuối cùng, miếng củ mài nướng đã chín. Tôi bẻ lấy một miếng, thấy thật thơm ngon. Anh Nglưu vừa ăn vừa kể chuyện: Củ này ông bà xưa gọi là củ Yàng cho, hễ vào rừng là có. Vào những năm chiến tranh ác liệt, cả làng liên tục tản cư, phần lớn lúa gạo làm ra để dành nuôi bộ đội, nhưng nhờ có củ mài mà dân làng qua cơn đói. Với trẻ em thiếu sữa, chỉ cần nấu chín củ mài, tán nhuyễn trộn với nước mía là có thể qua bữa. Có một chuyện mà anh Nglưu nhớ mãi, đó là lúc anh còn trong quân ngũ. Năm ấy, trong một trận chiến ác liệt với Pol Pot, anh được giao nhiệm vụ khiêng thương binh về tuyến sau. Qua một đêm vượt rừng hoàn thành nhiệm vụ, đến hôm trở lại đơn vị, tiểu đội anh lạc đường mất 4 ngày đêm. Giữa rừng âm u không thấy mặt trời, lương thực không có, anh đã nghĩ ngay đến củ mài. Nước suối, củ mài đã trở thành nguồn sống cho cả tiểu đội tải thương của anh năm ấy, giúp họ trở lại đơn vị an toàn để tiếp tục chiến đấu.

Hôm ấy, sau khi gùi củ mài về nhà, vợ chồng anh chị Nglưu cẩn thận dồn cả vào góc nhà để ăn dần. Những lần chuẩn bị gọt vỏ để nấu, chị luôn cẩn thận cắt bỏ một đoạn phần đầu củ, chẻ nhỏ thành từng miếng bằng ngón chân cái, vùi vào tro nguội để riêng, khi lên rẫy trồng lại. Chị giải thích: Từ khi trồng đến khi có củ khoảng giáp năm. Càng lâu năm củ càng lớn. Nếu mình dời rẫy đến nơi khác, ai đến sau thấy thì cứ đào về ăn, ông bà xưa cũng làm vậy.

Ngày nay, lương thực dồi dào, có nhiều loại củ quả phong phú nên củ mài ít được chú ý đến. Cũng có người đem về trồng nhưng chất lượng không ngon bằng củ mọc hoang ở rừng. Dẫu sao, loại củ hoang dã ấy đã từng là ân nhân nuôi sống một lớp người trong những ngày gian khó. Và đến giờ, tôi vẫn cứ ngẫm ngợi mãi về triết lý sống, triết lý từ rừng của người Jrai: không bao giờ tận diệt, luôn gìn giữ cho ngày sau…

 AN SINH

Có thể bạn quan tâm