Điểm đến Gia Lai

Gia Lai miền nhớ: Những mùa lúa rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 30 năm rồi, vẻ đẹp của bức tranh siêu thực này vẫn còn ấn tượng trong tôi khi lần đầu đặt chân đến Gia Lai, đến Tây Nguyên…
Nơi đại ngàn, từng mảng lúa chín nhấp nhô giữa triền xanh ngăn ngắt. Trong cái nắng rất mỏng của mùa khô mới chớm, có cảm giác đó là những dải vàng được ai dát ra giữa lưng chừng dốc. Tiếng mõ đuổi chim, tiếng suối đàn trưng lảnh lót như vờn thêm sắc vàng cho từng gié lúa. Cảm giác no đủ ngày mùa càng sung mãn khi ánh hoàng hôn vừa chớm thoa son, trước mỗi cầu thang nhà cùng đồng loạt vang lên thậm thịch nhịp chày giã gạo. Hương gạo mới nồng nàn quánh vào khứu giác. Và bữa cơm gạo mới đầu mùa. Chỉ muối giã ớt chỉ thiên chấm với cà đắng nhưng với tôi-một đứa con của ruộng đồng thì chẳng bữa tiệc cao sang nào sánh được. Đó là cảm giác sung sướng khi được thấy lại cái hương mùa trong veo, đích thực, đã mất đi vĩnh viễn từ ngày các giống lúa mới lên ngôi.
Không gian nông thôn đặc trưng của huyện Phú Thiện là một lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Minh Châu
Những cánh đồng lúa ở Phú Thiện. Ảnh: Minh Châu
Là nguồn sống chủ yếu của con người nhưng lại rất mong manh trong điều kiện tự nhiên không kém phần khắc nghiệt, cây lúa rẫy bởi vậy từ bao đời đã được đồng bào Tây Nguyên dành cho rất nhiều sự nâng niu, ưu ái… Một thí dụ với tộc người Bahnar. Người Bahnar có nhiều lễ hội nhưng tựu trung được phân thành 2 nhóm: lễ hội dành cho cây lúa rẫy và lễ hội cho một vòng đời người. Ngẫu nhiên hay là sự triết lý giữa cái tồn tại và phương tiện tồn tại, khi 2 nhóm này đều có số lễ hội tổ chức ngang nhau là 9? Chưa nghe ai nói nhưng trong vòng đời có 6 tháng, cây lúa rẫy được con người dành cho ngần ấy lễ lạt thì đủ chứng tỏ sự tôn vinh đến nhọc nhằn cái nguồn sống nuôi mình… Trừ một đôi lễ mang tính cộng đồng được tổ chức tại làng, phần lớn chúng được tổ chức trên rẫy. Là nơi trú ngụ của các Yàng và hồn lúa, rẫy với đồng bào là cả một thế giới tâm linh, là vùng đất được giữ gìn thanh khiết. Một sự uế tạp nào xảy ra trên rẫy cũng có thể khiến các Yàng bất bình, hồn lúa giận dỗi bỏ đi.
Tôi hãy còn nhớ một câu chuyện khá bi hài: Những năm đầu giải phóng có một vị chức sắc xuống làng công tác. Đi qua vùng đất rẫy mênh mông, đang mót và không biết đồng bào có tục kiêng, ông ta cứ điềm nhiên giải quyết “nỗi buồn”. Không may là chủ rẫy đi ngang bắt gặp, thế là ông ta bị dẫn về gặp già làng. Mức phạt cho hành vi trên, dù đã châm chước, vẫn là một con heo hai nắm để cúng tạ lỗi các Yàng. Ông tức giận la lối: “Tôi đã tập kết ra Bắc, đã từng theo người dân mót từng mẩu phân mang về quấy ra để tưới rau. Thế mà các người ở đây thấy phân lại sợ bẩn. Lạc hậu thế thì biết khi nào mới khá nổi”. Mặc cái lý của ông, luật làng vẫn cứ luật làng. Cuối cùng thì ông ta phải bỏ tiền mua một con heo nộp phạt.
 …Từ tháng 5 Dương lịch cho đến mùa suốt lúa, khoảng thời gian này ai xuống làng thường chỉ gặp người già và trẻ nhỏ. Người lớn đã ở hết trong rẫy. Nhà rẫy lúc này mới là nơi ở chính. Toàn bộ nhu cầu cuộc sống đã được rẫy cung cấp. Không chỉ với các loại rau dưa, cây trái, rẫy mùa này cũng là nguồn cung cấp các loại muông thú, cải thiện bữa ăn thường ngày vốn đạm bạc của đồng bào. Từ khi hạt giống mới gieo xuống đất, rẫy đã suốt ngày lảnh lót dàn đồng ca của các loại chim. Tuyệt vời nhất là vào kỳ lúa trổ bông ngậm sữa. Hương thơm ngọt ngào của lúa không chỉ quyến rũ các loài chim mà còn dẫn dụ các loài gặm nhấm mò về. Thỏ rừng và nhiều nhất là chuột. Cứ mỗi sáng thăm bẫy, ít nhất cũng được dăm bảy chú. Những chú chuột rừng béo múp, lông vàng khé. Làm sạch lông rồi đặt lên bếp than hồng, mỡ nhểu tong tả, mùi thơm nưng nức cả gian chòi. Một ché rượu gao sẽ được mở nắp. Thứ rượu đặc sản của người Bahnar ủ bằng hạt cỏ gao với men thảo mộc tự chế cứ sánh như mật. Bên bếp lửa rừng rực, xé miếng thịt chuột nướng chấm vào đĩa muối giã ớt hiểm trộn lá é rồi nhấp một ngụm rượu gao, nhìn ra bốn bề rừng núi mịt mùng trong làn mưa trắng xóa, chợt thấy cuộc đời thật thanh khiết, đáng sống biết bao. Thế nên với đồng bào, đây là những thứ lộc mà cha ông ban tặng. Chỉ những ai làm tròn bổn phận giữ gìn hồn lúa để linh hồn cha ông có nơi cư ngụ mới được hưởng tròn vẹn hạnh phúc này…
Cây lúa rẫy với hàng ngàn năm tồn tại đã làm nên một nền văn hóa nương rẫy. Và bây giờ sự tàn lụi của nó đang kéo theo cái chết của nền văn hóa ấy… Tôi đã từng nghe người ta “kết tội” cây lúa rẫy với những nguyên nhân của đói nghèo, của nạn phá rừng. Cũng không phải là không có lý, nhưng đói nghèo và nạn phá rừng đâu chỉ tội của một mình cây lúa rẫy? Làm nên sự tồn tại ngàn đời của các cư dân bản địa, cây lúa rẫy mang trong đó những đức tính rất đáng quý: chịu hạn, dễ trồng, dễ chăm sóc. Và tôi cũng đã đọc một tài liệu ở đâu đó rằng, năng suất lúa rẫy ở Tây Nguyên vào hàng cao nhất Đông Dương… Dẫu sao thì các phẩm chất ấy cũng không thể địch lại các giống lúa nước bây giờ về mặt năng suất. Nhưng “no bụng thì đói đầu” như cách nói của đồng bào. Hay nói cách khác “muốn phát triển thì phải chấp nhận sự đánh đổi” dường như là con đường chưa thể khác trong bối cảnh hiện nay.
Vẫn biết vậy mà mỗi khi bất chợt tưởng lại, người hay “hoài cổ” như tôi vẫn cảm thấy xao lòng…
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm