Tùy theo tỷ lệ thương tật, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhận được sự trợ cấp khác nhau, nhưng mức trung bình cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/người/tháng. “Để duy trì cuộc sống, các nạn nhân phải nỗ lực vượt qua bệnh tật, không ngừng phấn đấu vươn lên”-ông Quý cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hoài (bìa trái, thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cùng vợ con. Ảnh: H.C |
Gia đình ông Nguyễn Văn Hoài (thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) là một trong những tấm gương điển hình về sự nỗ lực vươn lên. Gia đình ông Hoài có 5 người thì 3 người (gồm ông, con trai Nguyễn Văn Tuấn và con gái Nguyễn Thị Thúy) bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Dù vậy, ông không bi quan, chán nản mà chăm chỉ làm việc để cải thiện cuộc sống.
Tháng 2-1967, ông Hoài lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 350, Trung đoàn 217, Đoàn 559. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu hơn 8 năm ở các chiến trường A Lưới (Thừa Thiên-Huế) và A Vương (Quảng Nam). Sau ngày thống nhất đất nước (1975), ông chuyển ngành về làm công nhân tại Nông trường Chè Biển Hồ, huyện Chư Păh.
Hiện nay, gia đình ông có hơn 1 ha cà phê xen canh sầu riêng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ siêng năng và tiết kiệm chi tiêu, mỗi năm, gia đình ông thu khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này cộng với lương hưu và chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam/dioxin, gia đình ông có cuộc sống ổn định.
Một trường hợp khác là cựu chiến binh Trần Minh Xuyên (tổ 3, thị trấn Đak Đoa). Trước đây, ông thuộc biên chế Trung đoàn 596, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Năm 1982, ông xuất ngũ và lập gia đình. Năm 1986, vợ chồng ông sinh con. Con trai ông bị di chứng chất độc da cam từ cha. Vợ chồng ông Xuyên đưa con đi khám-chữa bệnh nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả.
Nạn nhân chất độc da cam nỗ lực vươn lên trong cuộc sống
Thư ngỏ kêu gọi đóng góp, ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai
Tuy con cái bị bệnh nhưng vợ chồng ông Xuyên vẫn nỗ lực vượt qua để xây dựng cuộc sống gia đình. Ông Xuyên chia sẻ: “Do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin mà tôi và con trai thường xuyên đau đầu, chóng mặt. Tuy vậy, chúng tôi động viên nhau chăm lo lao động sản xuất”.
Đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình hội viên trên địa bàn, ông Nguyễn Hạnh-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn Đak Đoa-thông tin: “Thị trấn Đak Đoa có 96 hội viên nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 17 người đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Đa số nạn nhân đều sống trong cảnh nghèo khổ. Riêng gia đình ông Xuyên thì 2 cha con cùng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Đây là gia đình tiêu biểu về sự nỗ lực vượt qua bệnh tật, không cam chịu đói nghèo”.