Ông Đặng Văn Đắc-Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Đống Đa (TP. Pleiku) cho biết: “Phường có 47 người là nạn nhân CĐDC/dioxin được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Mức độ bệnh tật, ảnh hưởng khác nhau nhưng họ đều giàu nghị lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình văn hóa.
Đơn cử như gia đình ông Hoàng Minh Thắng (tổ 2) vừa là thương binh vừa là nạn nhân CĐDC và người con trai cũng mắc bệnh. Mặc dù bị bệnh tật hành hạ nhưng họ vẫn lạc quan, gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư”.
Ông Hoàng Minh Thắng (bên trái) cùng con trai bị nhiễm CĐDC/dioxin, ở tổ dân phố 2, phường Đống Đa, TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Cư |
Thấy chúng tôi đến thăm, ông Thắng nhanh tay thu xếp công việc vào nhà tiếp khách. Ông Thắng sinh năm 1955, quê ở xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 1972, ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Qua thời gian huấn luyện ở quê nhà, ông được điều động vào Tiểu đoàn 505 (Sư đoàn 3, Quân khu 5), hoạt động tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai... là những chiến trường ác liệt, địch sử dụng nhiều loại vũ khí và chất độc tàn phá. Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), đơn vị cử ông ra Bắc học ngành Cơ khí rồi về làm giáo viên Trường Cơ giới-Cơ khí 773 (Quân khu 5). Đến năm 1991, ông nghỉ chế độ theo chính sách của Nhà nước.
“Sau này, tôi mới biết mình là nạn nhân CĐDC. Bệnh tật liên miên, nhiều khi tôi cũng sinh chán nản, suy sụp. Nhưng nghĩ lại còn vợ con, gia đình nên tôi lại cố gắng vượt qua. Cùng với chế độ chính sách của Nhà nước, tôi cùng với gia đình chăm sóc gần 2 ha cà phê, chăn nuôi thêm bò, gà, vịt. Cuộc sống cũng tạm ổn để vợ chồng chăm lo 2 đứa con ăn học. Riêng cháu Hoàng Trung Dũng không may bị ảnh hưởng CĐDC nên từ nhỏ, chân tay co quắp, tâm tính không bình thường, phải có người theo sát giúp đỡ”-ông Thắng tâm sự.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hải (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cũng từng là quân nhân tham gia nhiều chiến trường ác liệt. Ông Hải quê ở tỉnh Hải Dương. Đầu năm 1975, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 756, Sư đoàn 773, Quân khu 5. Đơn vị đóng quân ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Sau 7 năm tại ngũ, năm 1982, ông chuyển ngành về làm công nhân Nông trường Chè Biển Hồ, huyện Chư Păh.
Vợ chồng ông sinh được 3 người con, nhưng chẳng may cô con gái Nguyễn Thị Nguyệt bị nhiễm CĐDC/dioxin, di chứng từ bố. “Thấy vậy, gia đình tôi càng thương, ra sức chăm sóc, chạy chữa cho cháu. Trải bao vất vả, cháu Nguyệt sau đó có thể đi lại, làm chủ sinh hoạt bản thân. Gia đình rất mừng”-ông Hải chia sẻ.
Những nạn nhân CĐDC/dioxin nói trên là những người lính từng vào sinh ra tử. Dù có khó khăn đến đâu, họ cũng luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống gia đình để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn lên.
Ông Hồ Xuân Độ-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Xã Nghĩa Hưng có 18 hội viên người cao tuổi là nạn nhân CĐDC/dioxin đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Họ từng xông pha trận mạc nguy hiểm nên rất quý trọng hòa bình, tích cực tham gia các hoạt động, nhất là phong trào “Tuổi cao-gương sáng”.