Xã hội

Lao động - Việc làm

Gia Lai: Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị ở Gia Lai tập trung cải thiện thái độ, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng, phục vụ.

Nỗ lực cải cách TTHC

Năm 2023, UBND tỉnh triển khai đánh giá việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó phát hiện các tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục.

Theo đó, việc đánh giá được thực hiện thông qua phiếu với bộ tiêu chí gồm 9 chỉ số (mỗi chỉ số tối đa 2 điểm quy định tại Điều 13 Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ) gồm: tổng thời gian giải quyết TTHC so với thời gian cho phép theo quy định của pháp luật; thời gian thực hiện của từng cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết so với quy định; số lần phải liên hệ với nơi tiếp nhận hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ TTHC; số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải liên hệ để hoàn thiện hồ sơ TTHC; thực hiện tổ chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả tại bộ phận một cửa; công khai các TTHC; thái độ của cán bộ, công chức, viên chức khi hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC; tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; tiến độ và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: H.D

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: H.D

Việc đánh giá kết quả giải quyết TTHC được tiến hành đối với 16/20 sở, ban, ngành (riêng Sở Ngoại vụ và Thanh tra tỉnh không thực hiện vì không phát sinh hồ sơ trong năm; Văn phòng UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh chỉ liên thông giải quyết hồ sơ TTHC), 17/17 huyện, thị xã, thành phố với tổng cộng 16.426 phiếu. Trong đó, 1.803 phiếu của các sở, ban, ngành; 14.623 phiếu của các huyện, thị xã, thành phố.

Qua đánh giá, 15/16 sở, ban, ngành có điểm tuyệt đối như: Giáo dục và Đào tạo, Giao thông-Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư... Trung bình chỉ số đánh giá việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành là 17,9 điểm (mức điểm xếp loại xuất sắc).

Về cấp huyện, 12/17 đơn vị xếp loại xuất sắc và 5 đơn vị xếp loại tốt. Các huyện có mức điểm cao như: Kbang (18 điểm), Ia Pa (17,2 điểm). Trung bình chỉ số đánh giá việc giải quyết TTHC của huyện, thị xã, thành phố là 15,8 điểm (mức điểm xếp loại xuất sắc).

Một số chỉ số có kết quả đánh giá khá cao như: chỉ số tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Đối với các sở, ban, ngành, chỉ số này được tổ chức, cá nhân đánh giá cao khi tất cả đều đạt điểm tối đa. Còn đối với các huyện, thị xã, thành phố, chỉ số này được đánh giá tương đối tốt, có 12/17 đơn vị đạt điểm tối đa, đơn vị có điểm số thấp nhất là huyện Mang Yang với 1 điểm.

Hay chỉ số thời gian thực hiện của từng cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết so với quy định cũng ghi nhận kết quả đáng mừng. Đối với các sở, ban, ngành, đa số đạt điểm tối đa. Còn đối với các huyện, thị xã, thành phố, có 6/17 đơn vị đạt điểm tối đa gồm: Kbang, Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Pưh, Pleiku.

Là một trong những đơn vị có điểm tuyệt đối ở cả 9 chỉ số, xếp loại xuất sắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong cải cách TTHC. Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: “Công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp được đẩy mạnh. Trong năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng điện tử đạt trên 99% (kế hoạch đề ra là 90%), đã hạn chế hết mức các loại chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng và thời gian trung bình xử lý hồ sơ năm 2023 của Gia Lai xếp trong top 5 của cả nước”.

Khắc phục tồn tại

Tuy nhiên, kết quả đánh giá cũng thể hiện một số tồn tại cần khắc phục như chỉ số thái độ của cán bộ, công chức, viên chức khi hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC chưa được đánh giá cao ở cấp huyện. Cụ thể, 6/17 địa phương đạt điểm tối đa 2 điểm; 5 địa phương đạt 1,9 điểm; 1 địa phương đạt 1,8 điểm; 5 địa phương dưới 1,6 điểm (Chư Sê, An Khê, Chư Prông, Chư Păh, Đak Pơ).

Điểm trung bình chỉ số này ở cấp huyện là 1,73 điểm. Điều này cho thấy thái độ của cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên bưu điện tại các huyện, thị xã, thành phố khi hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết TTHC chưa tốt, dẫn đến tình trạng khi chuyển về phòng chuyên môn xử lý thì phải yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung thành phần hồ sơ.

Gia Lai nỗ lực cải cách hành chính qua từng năm để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng, phục vụ. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai nỗ lực cải cách hành chính qua từng năm để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng, phục vụ. Ảnh: Hà Duy

Còn chỉ số tiến độ và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền có số điểm thấp nhất so với các chỉ số còn lại, nhất là ở cấp huyện. Kết quả này phản ánh tình hình thực tế phần lớn dân số của tỉnh là người dân tộc thiểu số nên hạn chế trong việc sử dụng các trang-thiết bị hiện đại, công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.

Đối với các sở, ban, ngành có 15/16 đơn vị đạt điểm tối đa, chỉ Sở Y tế đạt 1,9 điểm. Còn đối với cấp huyện, chỉ có 2/17 đơn vị đạt điểm tối đa (Kbang, Chư Păh); 13 đơn vị đạt từ 1 điểm đến 1,8 điểm; 3 đơn vị gồm: Đak Pơ, Krông Pa, Chư Prông đạt điểm.

Năm 2024, Gia Lai tiếp tục xem công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã ký ban hành Kế hoạch số 3638/KH-UBND về công tác cải cách hành chính năm 2024.

Kế hoạch đề ra yêu cầu là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và thanh toán trực tuyến...

Đặc biệt, khắc phục những hạn chế của bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức để xây dựng và vận hành bộ máy hành chính nhà nước thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân.

Có thể bạn quan tâm