(GLO)- Chiều 15-7, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ số cải cách hành chính (CCHC); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2021 (PAPI). Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy |
Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ và các huyện, thị xã, thành phố.
Theo các báo cáo, tổng số điểm Chỉ số CCHC của tỉnh Gia Lai năm 2021 là 86,17/100 điểm, xếp vị trí thứ 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thấp hơn 21 bậc so với năm 2020 (năm 2020 xếp vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Chỉ số SIPAS đạt 86%, thấp hơn năm 2020 0,41%, xếp vị trí thứ 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thấp hơn 17 bậc so với năm 2020 (năm 2020 là 86,41%, xếp vị trí thứ 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Chỉ số PAPI 2021 xếp vị trí 53/60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 10 bậc so với năm 2020 và thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất (năm 2020 là 42,21/80 điểm tối đa, xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Đây là kết quả khá thấp và vị thứ trên bảng xếp hạng đều giảm so với năm 2020.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng trình bày tham luận về giải pháp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hà Duy |
Một số tham luận về giải pháp nâng cao vị thứ các chỉ số CCHC, SIPAS, PAPI trong thời gian tiếp theo được các sở, ngành trình bày tại hội nghị, gồm: giải pháp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh của Sở Thông tin và Truyền thông; giải pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức trong lĩnh vực đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường. Những kiến nghị, đề xuất cũng được đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Bưu điện tỉnh đưa ra thảo luận tại hội nghị, tập trung vào các nội dung: có chiến thuật truyền thông về những kết quả mà chính quyền các cấp đã làm nhằm tạo yếu tố “tâm lý tốt” cho doanh nghiệp; nhanh chóng giải quyết những vướng mắc liên quan đến các dự án điện mặt trời mái nhà; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành; nên bắt buộc thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 thay vì khuyến khích.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy |
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông nhấn mạnh: Chúng ta nhắm đến điểm tối đa của từng chỉ số thành phần, vì vậy cần phải có kế hoạch khắc phục cụ thể cho từng chỉ tiêu, tiêu chí giảm điểm, giữ vững các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt; kế hoạch khắc phục phải đồng bộ, không mâu thuẫn; các ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cho riêng mình. Đề nghị thực hiện nghiêm Quyết định số 258/QĐ-UBND ngày 29-4-2021 của UBND tỉnh về kế hoạch triển khai đề án thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 17-9-2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2025. Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh có báo cáo đánh giá những điểm được và chưa được trong 6 tháng đầu năm. Các ngành, địa phương có tỷ lệ trễ hẹn hồ sơ cao tiếp tục kéo giảm tỷ lệ trễ hẹn giảm xuống còn 0,5%. Các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công mức độ 3, 4. Đặc biệt, các đơn vị đã đưa ra giải pháp thì phải gắn với trách nhiệm.
HÀ DUY