Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai: Nâng cao vai trò người dân trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những vấn đề được quan tâm bàn thảo tại hội nghị sơ kết tình hình công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2018 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức mới đây. Điều đó cho thấy, bên cạnh những kết quả rất cơ bản, quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn, 5 xã đạt 15-18 tiêu chí, 36 xã đạt 10-14 tiêu chí và 94 xã đạt 5-9 tiêu chí. Riêng trong năm 2017, UBND tỉnh đã công nhận 19 xã đạt chuẩn NTM. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM và thị xã An Khê hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM  năm 2018.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn vào tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy có 3 nhóm xã với điều kiện kinh tế-xã hội tương đối khác nhau. Nhóm thứ nhất gồm 49 xã đạt chuẩn và một số xã gần đạt chuẩn. Đây là các xã ở vùng thuận lợi; có tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã đi qua địa bàn; thương mại-dịch vụ tương đối phát triển hoặc là vùng chuyên canh các loại cây hàng hóa; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể... Nhóm đạt 10-14 tiêu chí là những xã có điều kiện kinh tế-xã hội ở mức trung bình, có khả năng đạt chuẩn NTM trong vài năm tới nếu được đầu tư một cách căn cơ, hiệu quả.

Trong khi đó, nhóm còn lại (chiếm trên 50% tổng số xã trên địa bàn) là những xã có điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn. Thực tế này đặt ra thách thức rất lớn đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở tỉnh ta. Để phấn đấu đạt chuẩn NTM ở một xã thuộc dạng này thì gần như phải làm lại từ đầu. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước có hạn và nguồn đóng góp trong dân lại càng eo hẹp hơn. Vì vậy, theo dự báo, chương trình xây dựng NTM càng về sau càng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cùng với những khó khăn do điều kiện khách quan mang lại, việc triển khai xây dựng NTM cũng gặp không ít khó khăn về phía chủ quan. Theo đó, một số địa phương chưa sử dụng linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; chưa lồng ghép các chương trình, dự án vào thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.  Một bộ phận cư dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đúng về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình. Thậm chí, không ít cán bộ ở cơ sở còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM ở các địa phương còn thiếu kiến thức thực tế, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn và vận động quần chúng. Vì vậy, nhiều địa phương gặp khó khi vận động người dân đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng NTM...

Có thể khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM hướng tới rất nhiều mục tiêu, trong đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân là mục tiêu hàng đầu. Vì thế, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt chương trình này. Tuy nhiên, để chương trình đảm bảo tiến độ đề ra và đạt hiệu quả thực chất thì còn nhiều việc phải làm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp phải tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là phải bám sát thực tiễn để đề ra giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương cần kiểm tra, rà soát để đầu tư thực hiện các tiêu chí chưa đạt và hoàn thiện các tiêu chí đã đạt. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải gắn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt là phải xây dựng các làng nông thôn mới kiểu mẫu để định hướng và góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số...

Xét về thực chất, xây dựng NTM là công việc thường nhật của người dân dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, mọi công trình, phần việc đều phải hướng đến mục tiêu phục vụ người dân. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần vận động nhân dân tích cực tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương.

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm