(GLO)- Ngày 4-3, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 389/UBND-NL về việc tăng cường triển khai các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan và các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR mùa khô 2021-2022.
Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang phát đốt thực bì để phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Cùng với đó, các địa phương phải xác định công tác quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Các địa phương cấp xã yêu cầu cá nhân, hộ gia đình thông báo thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương rẫy cho UBND cấp xã, kiểm lâm địa bàn và đơn vị chủ rừng ở gần biết để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong xử lý đốt thực bì.
Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong rừng và ở các vị trí có nguy cơ xảy ra cháy rừng trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở mức nguy hiểm (cấp IV) và cực kỳ nguy hiểm (cấp V). Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng thực hiện an toàn về PCCCR mùa khô năm 2021-2022.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động nắm bắt tình hình thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn; thực hiện thông báo cấp dự báo cháy rừng từ 2-3 lần/tuần trong suốt mùa khô 2021-2022; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR cho cộng đồng dân cư; bố trí lực lượng trực PCCCR 24/24 giờ tại cơ quan và các trọng điểm cháy.
Các đơn vị chủ rừng cần tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, nhất là đối với diện tích rừng trồng có nguy cơ xảy ra cháy cao…
KIỀU PHAN