Xã hội

Gia Lai: Người lao động khó tìm việc làm sau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau Tết, thị trường lao động ở Gia Lai thường nhộn nhịp khi doanh nghiệp tuyển công nhân phục vụ các đơn hàng mới, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất hạn chế.
Nhu cầu tuyển dụng ít
Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình tuyển dụng lao động sau Tết rơi vào trầm lắng. Tính đến ngày 21-2 (tức mùng 10 tháng Giêng), Trung tâm mới tiếp nhận được 13 đơn vị, doanh nghiệp gửi thông báo tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp này chủ yếu ở trong tỉnh và chỉ tuyển từ 1 đến 7 lao động ở các vị trí nhân viên kinh doanh, bán hàng, phát triển thị trường, làm bánh, kế toán, kỹ sư điện, giúp việc nhà... Trung tâm chưa nhận được đơn hàng tuyển dụng nào từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Lao động đến tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh. Ảnh: Đinh Yến
Yêu cầu mà doanh nghiệp tuyển dụng đưa ra là lao động phải có kinh nghiệm, chịu được áp lực công việc, sức khỏe tốt, mức lương từ 4 đến 20 triệu đồng/tháng. Đơn cử như Chi nhánh Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí PVOIL miền Trung tại Gia Lai (thôn 1, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) tuyển 4 nam nhân viên bán xăng dầu, trình độ tốt nghiệp THPT trở lên, làm việc tại Gia Lai, có bằng lái xe, giao tiếp tốt, sức khỏe tốt, năng động, chịu khó, trung thực, lương 4,5 triệu đồng/tháng trở lên.
Còn đối với một số doanh nghiệp ở các Khu Công nghiệp Trà Đa, Diên Phú, theo ghi nhận của chúng tôi, nhu cầu tuyển dụng lao động hầu như không có. Theo ông Nguyễn Văn Nam-Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh thì các doanh nghiệp đã ổn định lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp ít đơn hàng, không mở rộng nhà xưởng nên chưa có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân lực.
Bà Nguyễn Thị Mai-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Gia Khang-cho hay: “Doanh nghiệp đang duy trì việc làm cho gần 100 lao động và không có nhu cầu tuyển dụng. Lao động gắn bó với đơn vị lâu năm hiện phải sắp xếp vị trí việc làm phù hợp để đảm bảo thu nhập; đơn hàng ít, cho công nhân nghỉ việc thì không đành lòng”.
Khó tìm việc làm
Mấy năm nay, một số cây trồng chủ lực liên tiếp mất mùa, mất giá khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều lao động phổ thông ở các địa phương đã phải “ly hương” hoặc xin vào làm việc ở các doanh nghiệp để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, giai đoạn này, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển mới.
Chị Wưn (làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cho biết: “Nhà mình cách Khu Công nghiệp Trà Đa gần 10 km. Đầu năm, mình đã liên hệ xin việc nhưng chưa có đơn vị nào có nhu cầu”.
Đang làm quản lý cho một đơn vị trồng cây ăn quả xuất khẩu tại Campuchia với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, anh Dương Mạnh Thiện (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) xin nghỉ việc vì cả năm không được về thăm gia đình. Sau Tết, anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ tìm việc nhưng chưa được doanh nghiệp nào xem xét.
“Tôi không muốn đi làm xa nhà nhưng xin việc trong tỉnh khó quá. Tôi nghĩ sau Tết, nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp nhiều nhưng mong mãi vẫn chưa thấy đơn vị nào cần”-anh Thiện nói.
Ông Lê Thanh Truyền cho biết thêm: “Mọi năm, vào thời điểm sau Tết, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hàng ngàn vị trí việc làm. Tuy nhiên, năm nay, thị trường lao động khá trầm lắng, rất ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới”.
Còn ông Nguyễn Văn Nam thì nhìn nhận: Tình hình dịch bệnh chưa biết như thế nào nên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn cầm chừng, thậm chí thu hẹp quy mô kéo theo thị trường lao động đầu năm khá trầm lắng.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm