Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai: Nhiều văn phòng công chứng có nguy cơ đóng cửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kể từ ngày 1-1-2017, các văn phòng công chứng do một công chứng viên hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân phải chuyển đổi sang loại hình hoạt động công ty hợp danh với 2 công chứng viên. Đó là những quy định bắt buộc của Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 29 ngày 15-3-2015 của Chính phủ “Quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng”.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ngày 8-11, ông Đào Trọng Giáp-Phó Giám đốc Sở Tư pháp Gia Lai cho biết: “Nguồn công chứng viên ở tỉnh ta đang rất thiếu nên nhiều văn phòng công chứng trên địa bàn đang có nhu cầu tuyển dụng thêm công chứng viên để chuyển đổi loại hình hoạt động, nhưng chưa được. Đến hết ngày 31-12-2016, nếu văn phòng công chứng nào không có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên, không có đủ những điều kiện chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang loại hình công ty hợp danh thì Sở Tư pháp sẽ tiến hành thu hồi giấy đăng ký hoạt động công chứng, UBND tỉnh sẽ thu hồi quyết định cho phép thành lập theo đúng quy định”.

 

Văn phòng Công chứng Pleiku. Ảnh: H.C
Văn phòng Công chứng Pleiku. Ảnh: H.C

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 15 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố là: Pleiku, Chư Sê, An Khê, Đức Cơ, Ayun Pa, Chư Pưh, Chư Prông, Ia Grai và Đak Đoa. Trong đó có 3 phòng công chứng với 9 công chứng viên thuộc Sở Tư pháp và 12 văn phòng công chứng với 20 công chứng viên tư nhân.

Năm 2016, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công chứng được 58.133 việc, tổng thu phí đạt gần 15 tỷ đồng, trong đó 12 văn phòng công chứng tư nhân thực hiện đạt hơn 70% số việc và số tiền thu phí. Ngoài phần doanh thu, đóng thuế cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều người ở địa phương, giúp người dân thuận tiện khi đi công chứng, các văn phòng công chứng còn tích cực phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp các quy định pháp luật cho nhân dân; tạo điều kiện cho mọi người giải quyết các thủ tục đúng trình tự, đúng thời gian và chặt chẽ theo các quy định của pháp luật; góp phần thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động công chứng.

Trước yêu cầu đổi mới cải cách hành chính, cải cách tư pháp, muốn tồn tại và phát triển đòi hỏi các văn phòng công chứng phải liên tục chủ động cải tiến lề lối làm việc, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức.

Theo thông tin từ Sở Tư pháp, đến ngày 8-11, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3/12 văn phòng công chứng có đủ điều kiện chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân một công chứng viên sang loại hình hoạt động hợp danh 2 công chứng viên trở lên. Những văn phòng công chứng còn lại, một phần là do nhu cầu công chứng chưa nhiều, một phần thời gian đào tạo và bồi dưỡng từ cử nhân luật trở thành công chứng viên phải qua ít nhất 2 năm nên việc chuẩn bị các nguồn lực chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang loại hình công ty hợp danh còn có bất cập và khó khăn.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm