Gặp khó trong việc tuyển sinh khiến 2 trường Trung cấp và Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Gia Lai trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Hai đến ba năm liền, trường đều không tuyển sinh được học sinh, sinh viên (HS-SV). Nhiều hạng mục cả chục tỷ đồng đã được đầu tư nhưng giờ để không.
Gặp khó trong việc tuyển sinh khiến 2 trường Trung cấp và Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Gia Lai trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Hai đến ba năm liền, trường đều không tuyển sinh được học sinh, sinh viên (HS-SV). Nhiều hạng mục cả chục tỷ đồng đã được đầu tư nhưng giờ để không.
Ký túc xá Trường Trung cấp Y Gia Lai bỏ hoang từ tháng 2 đến nay vì nhà trường không thể tuyển sinh. |
Khác với không khí khai giảng rộn ràng đầu năm học như một số trường trên cả nước, nơi khuôn viên Trường Trung cấp Y tế Gia Lai rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Cổng trường im ắng, sân trường mọc đầy rêu xanh. Nếu không có bảng khiêm tốn bên cột bê-tông thì ít ai có thể biết đây từng là nơi đào tạo hàng chục nghìn lượt HS, cung cấp một lượng lớn nhân lực y tế cho hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum trong hàng chục năm qua.
Nỗi đìu hiu cũng là tâm trạng chung của cán bộ, giảng viên nơi đây. Với bề dày 41 năm, ngôi trường này đang rơi vào tình cảnh ngắc ngoải vì không thể tuyển sinh được bởi nhiều rào cản. Từ năm 2011, trường tuyển sinh được 536 HS, 6 năm sau trường chỉ tuyển được 70 HS và năm 2018 - 2019 trường không tuyển được HS nào. Hiện trường có 3 chương trình đào tạo là dược sĩ, y sĩ và trung cấp điều dưỡng. Trường cũng có mã số đào tạo sơ cấp đối với cô đỡ thôn bản (6 tháng) và nhân viên y tế thôn bản (3 tháng), nhưng thực tế, hiện trường vắng bóng HS. Năm học 2017-2018, trường tuyển 70 HS được xem như những HS cuối cùng của trường. Thế nhưng, giờ cũng rơi rớt chỉ còn 51 em đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Đến cuối tháng 9 này, sẽ không còn HS để những giảng viên nơi đây lên lớp.
Trao đổi với P.V, thầy Lê Trọng Nguyên - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Y tế Gia Lai cho biết: Cán bộ nhân viên toàn trường 25 người thì có 23 người là giáo viên phòng đào tạo, hầu hết trình độ Đại học và sau Đại học. Đội ngũ giáo viên hiện tại đa số đều có quá trình công tác trên 5 năm giảng dạy và đều được tham gia điều trị tại bệnh viện nên năng lực giảng dạy và chuyên môn nghề nghiệp khá tốt. "Năm học 2018 - 2019 có 70 chỉ tiêu (hai lớp) nhưng chỉ có 20 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển, nhưng sau đó các em không đến nhập học. Còn năm học này chúng tôi không tuyển sinh nữa. Đến tháng 9 này các em tốt nghiệp là trường hết học sinh hoàn toàn", thầy Nguyên thông tin.
Từ thực trạng trong công tác tuyển sinh, tỉnh Gia Lai cũng đã có giải pháp nhằm "cứu vãn" ngôi trường có bề dày lịch sử và nhằm đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh. Bởi có một thực trạng ở Gia Lai thiếu y, bác sĩ, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2016, UBND tỉnh Gia Lai triển khai dự án đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp Y tế Gia Lai lên Cao đẳng với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Quy mô dự kiến đáp ứng cho công tác đào tạo 1.000 HS. Khuôn viên của trường (xã Trà Đa, TP Pleiku) đã được mở rộng từ hơn 2ha lên hơn 5ha để đạt chuẩn. Một khu ký túc xá với quy mô 16 phòng đã được đầu tư xây dựng mới cùng nhiều trang thiết bị, dụng cụ đồ dùng giảng dạy, học tập nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của một trường Cao đẳng. Thế nhưng, nhiều trục trặc khiến việc nâng cấp lên trường Cao đẳng bất thành. Từ đó, khiến việc tuyển sinh trở thành bài toán nan giải đối với nhà trường. Cùng với đó, khu ký túc xá bàn giao từ đầu năm đến nay không có SV ở, cỏ dại mọc kín cả lối đi.
Với bề dày 41 năm, Trường Trung cấp Y Gia Lai giờ rơi vào cảnh "chợ chiều". |
Trước tình cảnh này, nhiều cán bộ, nhân viên trong số 25 nhân lực của trường, trong đó đa số có trình độ bác sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa I lo lắng, có người nộp đơn xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Còn đối với 51 em SV cuối cùng, nhà trường đang tất bật việc ôn thi tốt nghiệp cũng như tự tìm lớp để học liên thông. Bởi theo Thông tư số 26 của Bộ Y tế, ngành y sẽ hủy bỏ và chất dứt tuyển nhân viên y tế trình độ trung cấp. Dù tỉnh Gia Lai đã có đề án sắp xếp một số trường Trung cấp trên địa bàn, thế nhưng vẫn chưa triển khai khiến những cán bộ, giáo viên của trường vẫn thắc thỏm chưa biết "số phận" mình sẽ đi về đâu!
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Gia Lai gắng gượng cũng chỉ tuyển sinh được hơn 90 SV. Trong khi, chỉ tiêu tuyển sinh của trường trên 300 SV. 90 SV này chủ yếu theo học ngành sư phạm mầm non. Từ năm 2016 đến nay, việc đào tạo giáo viên hệ THCS của nhà trường phải ngưng hoàn toàn. Trong năm học 2018 - 2019, các giảng viên của bộ môn Lý, Hóa không tham gia giảng dạy vì không có lớp. Cũng trong năm học này, ngành sư phạm Ngữ văn chỉ có duy nhất 1 SV trúng tuyển. Trong khi đó, nhà trường có 110 giảng viên, trong đó có 3 Tiến sĩ và phần nhiều là thạc sĩ. Với tình trạng thiếu người học trầm trọng, nhiều giáo viên đã phải xin chuyển công tác hoặc nghỉ chế độ, những giáo viên còn lại cũng đang thắc thỏm lo âu về "số phận" của trường...
MINH TÂN (CAĐN)