Bạn đọc

Gia Lai: Nỗi lo thiếu nước chữa cháy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiểm họa cháy nổ luôn rình rập nhưng tại nhiều địa phương ở Gia Lai tồn tại những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là thiếu nguồn nước dự phòng.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ cháy làm 1 người chết, 1 người bị thương và thiệt hại tài sản hơn 23,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 36/53 vụ cháy nhà ở, nhà xưởng (chiếm 67,9% tổng số vụ), nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của người dân và sự cố hệ thống điện. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 5 vụ, thiệt hại về tài sản tăng 11,2 tỷ đồng.
Trung tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH-nhận định: “Đây là con số đáng báo động, cho thấy nhận thức của người dân trong thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa cháy nổ chưa cao. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác này còn hạn chế, những tồn tại, nguy cơ về cháy, nổ chưa giải quyết triệt để, tiềm ẩn phát sinh cháy gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng theo Trung tá Huy, một trong những nguyên nhân cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng là thiếu nguồn nước để phục vụ chữa cháy. Hiện có 6 huyện chưa có hệ thống trụ nước chữa cháy đô thị. Các đô thị, cụm, khu công nghiệp đã trang bị 291 trụ nước chữa cháy; 86 bể nước chữa cháy có dung tích 50 m3 trở lên nhưng chỉ có 56 bể lấy nước được. Ngoài ra, trong số 21 ao, hồ, kênh, mương, chỉ có 9 điểm xe chữa cháy vào lấy được nước...
Diễn tập PCCC-CNCH tai nạn hàng không tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Ảnh: Đức Thụy
Trung tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH: “Để khắc phục triệt để những bất cập trong bố trí nguồn nước phục vụ PCCC cần xây dựng hoàn thiện quy hoạch tổng thể, xây dựng đủ hệ thống cấp nước đô thị, đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng, cải tạo bến bãi, hố thu nước cho xe chữa cháy, xây dựng bể dự trữ nước công cộng có trữ lượng lớn đảm bảo phục vụ chữa cháy”.

Qua kiểm tra, toàn tỉnh có 6/19 đô thị, cụm, khu công nghiệp chưa đảm bảo yêu cầu về cấp nước chữa cháy, chiếm 31,58%. Không những vậy, hệ thống cấp nước phục vụ PCCC tại đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như chưa đảm bảo số lượng, khoảng cách giữa các trụ nước; một số trụ đã xuống cấp, hư hỏng, không mở được van khóa, đầu nối không đồng bộ, cột áp, lưu lượng, thời gian cấp nước không ổn định… nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Một số địa phương, chủ đầu tư lập dự án, thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy hoặc lắp đặt trụ nước chữa cháy nhưng không gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chức năng để thẩm duyệt PCCC, kiểm định chất lượng thiết bị và nghiệm thu công trình.

Gần đây nhất, vụ cháy xưởng sản xuất bao bì của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thành Long (793 Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) vào rạng sáng 6-9, lực lượng chữa cháy đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi tìm nguồn nước. Lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH phải điều động 5 xe chữa cháy chuyên dụng để khống chế ngọn lửa. Tuy nhiên, các điểm tiếp nước quanh khu vực này đều không đảm bảo buộc xe chữa cháy phải đi xa để tiếp nước.
Trung tá Lương Anh Sơn-Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH) cho hay: “Các xe chữa cháy phải di chuyển về chợ Trà Bá để tiếp nước nhưng tốc độ nước chảy yếu nên 1 xe với dung tích 6 m3 phải cần đến gần 30 phút mới hút đủ nước, gây chậm trễ việc khống chế ngọn lửa, chống cháy lan”.
Các xe chữa cháy cần một lượng nước lớn khi tham gia cứu hỏa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Cũng theo Trung tá Sơn, vụ cháy gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng tại kho chứa săm lốp của nhà phân phối Thành Công ở địa chỉ 39 Triệu Quang Phục (tổ 6, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) vào đầu năm 2020 cũng là một trong những vụ việc đáng báo động. Các nguồn tiếp nước gần đó không đủ để cung cấp cho quá trình chữa cháy diễn ra suốt hơn 10 giờ.
Nhận thấy bất cập trong việc bố trí nguồn nước phục vụ PCCC, nhiều địa phương đã tiến hành chấn chỉnh nhằm hoàn thiện các hạng mục PCCC trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Qua thực tế các vụ cháy trên địa bàn đã lộ ra nhiều thiếu sót trong việc cung ứng nguồn nước dẫn đến công tác chữa cháy chưa phát huy hiệu quả mong muốn. Do đó, để việc chữa cháy được kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại, UBND TP. Pleiku chỉ đạo Công an TP. Pleiku phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH rà soát các trụ tiếp nước đảm bảo hoạt động hiệu quả, quy hoạch bố trí nguồn nước sẵn sàng cho xe chữa cháy có thể tiếp nước nhanh chóng nhất”.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm