Xã hội

Gia Lai phấn đấu đến năm 2030: 90% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có kế hoạch số 2390/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nhằm mục đích cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm củng cố kiện toàn hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, PHCN người khuyết tật.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, PHCN người khuyết tật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đối tượng, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai phấn đấu đến năm 2030 có 90% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Ảnh: Như Nguyện

Trong đó, mục tiêu chung bảo đảm cho người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, tỉnh Gia Lai phấn đấu mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng. Đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các xã, phường, thị trấn triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng.

Tiếp tục duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở PHCN; đảm bảo trên 90% cơ sở PHCN (gồm: Bệnh viện PHCN; Trung tâm PHCN; Khoa PHCN thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật PHCN. Đầu tư kiện toàn Bệnh viện Y dược cổ truyền-PHCN thành Bệnh viện Y dược cổ truyền- PHCN và Điều dưỡng. Đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sóc điều dưỡng, thành lập các Trung tâm điều dưỡng thuộc Bệnh viện tại các khu du lịch sinh thái của tỉnh. Điểm chất lượng bệnh viện đạt mức khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; thành lập Khoa Vật lý trị liệu-PHCN thuộc bệnh viện để đa dạng dịch vụ kỹ thuật.

Lớp tập huấn năng cao năng lực phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức cho cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Gia Lai vừa qua. Ảnh: Như Nguyện

Phấn đấu 100% các bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ PHCN trực thuộc Sở Y tế đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, PHCN theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực PHCN, phấn đấu đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

Tầm nhìn đến năm 2050, công tác PHCN được phát triển tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện, liên tục, chất lượng. Đẩy mạnh hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật trong tỉnh; tiếp tục triển khai và duy trì mô hình PHCN dựa vào cộng đồng trong toàn tỉnh và được tích hợp nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế. Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật PHCN thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

Được biết, Gia Lai là một trong các tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật cao, theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng 22.610 người. Nguyên nhân gây khuyết tật chủ yếu: di chứng của bệnh tật, bẩm sinh, hậu quả chiến tranh, di chứng tai nạn lao động, tai nạn giao thông, sức khỏe tâm thần...Đa phần người khuyết tật và trẻ khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận không được đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế về công tác PHCN. Tình hình triển khai thực hiện can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được theo yêu cầu.

Có thể bạn quan tâm