Sức khỏe

Phát hiện, can thiệp sớm giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu được phát hiện, can thiệp sớm sẽ giúp trẻ khuyết tật hồi phục và hòa nhập cộng đồng. Để làm được việc này, theo ông Vương Ánh Dương-Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thì cần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở.

Nâng cao năng lực chuyên môn

Tại TP. Pleiku, Cục Quản lý khám, chữa bệnh vừa tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật cho nhân viên y tế tỉnh. Lớp tập huấn có sự đồng hành, hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

phat-hien-can-thiep-som-giup-tre-khuyet-tat-hoa-nhap-cong-dong-bg-1074.jpg
Lớp tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật cho nhân viên y tế do Cục Quản lý khám, chữa bệnh tổ chức. Ảnh: N.N

Ông Đoàn Mạnh Thắng-Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Gia Lai) thông tin: Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 20.000 người khuyết tật; trong đó có 12.552 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là năng lực của nhân viên y tế trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật trong cộng đồng còn nhiều hạn chế.

“Hội nghị lần này là cơ hội để đội ngũ cán bộ y tế tỉnh có thêm kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong phát hiện, can thiệp sớm trẻ khuyết tật. Thông qua tập huấn, đội ngũ cán bộ y tế, nhất là y tế cơ sở sẽ phát huy và nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần phát hiện và can thiệp sớm giúp trẻ em khuyết tật có cơ hội phục hồi tốt và hòa nhập cộng đồng”-ông Thắng nhấn mạnh.

Trong 3 ngày diễn ra lớp tập huấn (từ ngày 9 đến 11-10), các học viên được phổ biến nhiều kiến thức bổ ích. Trong phần thực hành, với sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm đến từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Bệnh viện Nhi Trung ương, các học viên được thực hiện sàng lọc, phát hiện rối loạn phát triển và dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật; khám đánh giá, phân loại khuyết tật và đánh giá nhu cầu can thiệp… trên các bệnh nhi cụ thể.

Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Bác sĩ Nguyễn Thái Trung (Trung tâm Y tế huyện Kbang) chia sẻ: “Qua tập huấn, tôi có thêm kiến thức bổ ích để ứng dụng vào thực tiễn khám-chữa bệnh, nhất là phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật giúp các em hòa nhập cộng đồng”.

2nn-1754.jpg
Các nhân viên y tế thực hành khám đánh giá, phân loại khuyết tật và đánh giá nhu cầu can thiệp… trên các bệnh nhi cụ thể. Ảnh: Như Nguyện

Còn chị Nguyễn Thị Ngà-Nhân viên Trạm Y tế xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh) thì cho hay: Việc phát hiện, can thiệp sớm nhằm giúp trẻ sớm hồi phục và hòa nhập cộng đồng. Trong đó, tuyến y tế cơ sở là tuyến tiếp cận ban đầu nên việc nhân viên y tế được trang bị đầy đủ kiến thức sẽ giúp nâng cao hiệu quả phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, tăng cơ hội phục hồi cho trẻ khuyết tật.

Hiện Bộ Y tế đã có phần mềm sàng lọc trẻ khuyết tật trên trang web kcb.vn. Theo đó, những gia đình có trẻ nghi ngờ bị khuyết tật có thể tự tiến hành sàng lọc. Sau khi sàng lọc, phần mềm sẽ liệt kê những vấn đề của trẻ và tư vấn gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế nào để khám-chữa bệnh, can thiệp, điều trị.

Nghe thông tin về chương trình, chị Kpă Nhung (làng Ngo Se, thị trấn Chư Sê) dẫn con trai 6 tuổi đến nhờ bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp can thiệp.

Chị Nhung cho biết: “Con trai tôi có dáng đi hình chữ X. Gia đình khó khăn nên cháu chưa được khám và điều trị. Hôm nay, có các bác sĩ từ tuyến trên về nên tôi đưa cháu đến khám. Các bác sĩ đã hướng dẫn phương pháp điều trị và cho biết việc kiên trì điều trị sẽ giúp cháu hồi phục, có dáng đi bình thường như các trẻ khác”.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Vương Ánh Dương: Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ khuyết tật sẽ phục hồi tốt và có thể trở thành trẻ bình thường như: các trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường...

Ngoài ra, một số trẻ khuyết tật khác có thể phát triển được các kỹ năng gần như trẻ bình thường như: trẻ chậm phát triển vận động hoặc ngôn ngữ so với tuổi, trẻ bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ… Một số trẻ khuyết tật nặng cũng được phục hồi không dẫn đến các khuyết tật thứ phát, các kỹ năng được cải thiện nhiều và có thể hội nhập xã hội...

“Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm giúp bố mẹ có định hướng đúng để can thiệp phục hồi chức năng hiệu quả nhất cho con. Can thiệp sớm cũng có thể giúp trẻ phát triển bình thường, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ và giảm các chi phí y tế và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số”-ông Dương nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm