Xã hội

Lao động - Việc làm

Cần chính sách đãi ngộ đối với viên chức y tế công lập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều cán bộ, nhân viên trong hệ thống y tế công lập có xu hướng chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân.

Nguyên nhân là do áp lực công việc trong khu vực công lớn, thu nhập lại không tương xứng với thời gian, kinh phí phải bỏ ra cho quá trình học tập, đào tạo chuyên môn. Mức thu nhập không đảm bảo mức sống cũng như chưa tạo được động lực để đội ngũ cán bộ y tế nâng cao chất lượng chuyên môn hoặc gắn bó lâu dài với đơn vị công tác…

Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng chịu nhiều áp lực từ phía người nhà bệnh nhân. Tình trạng y-bác sĩ bị bạo hành gia tăng đã khiến họ hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm đi sự nhiệt huyết với nghề.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2021 đến tháng 6-2022, cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc. Còn theo Bộ Nội vụ, tính đến năm 2023, trong số hơn 39.000 viên chức nghỉ việc thì có 25% nhân sự thuộc ngành Y tế.

Tại Gia Lai, thực trạng này cũng đặt ra nhiều trăn trở. Chỉ trong 3 năm (2020-2023), hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có đến 50 bác sĩ xin nghỉ để chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Cao điểm là năm 2021, toàn tỉnh có 110 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 38 người xin thôi việc (18 bác sĩ). Còn năm 2023, tỉnh có 35 viên chức ngành Y tế bỏ việc, nghỉ việc.

1-3667.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Phát triển nguồn nhân lực y tế có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cũng đã đề xuất nhiều giải pháp, ban hành các chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế.

Đầu tháng 4-2024, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng 2050” với 4 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: đào tạo đảm bảo đủ, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực y tế.

Ở cấp độ địa phương, ngày 24-7-2024, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết gồm 3 nội dung chính gồm: thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế với các chính sách riêng biệt, rõ ràng.

Tổng hợp kinh phí cho 3 chính sách giai đoạn 2024-2028 là 85,586 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là chính sách thu hút nguồn nhân lực với các mức hỗ trợ 200-500 triệu đồng tùy theo học hàm, học vị và mức xếp loại tốt nghiệp.

Tại Gia Lai, thời gian qua, các ngành, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân viên y tế để đề ra các giải pháp phù hợp.

Mới đây, Sở Y tế đã có công văn lấy ý kiến góp ý các tổ chức, cá nhân về dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2025-2030.

Đáng chú ý là mức hỗ trợ đối với các chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo được đề ra tại dự thảo khá hấp dẫn. Cụ thể, đối tượng được thu hút về làm việc là tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 500 triệu đồng/người; chuyên khoa cấp II là 400 triệu đồng/người; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú là 300 triệu đồng/người; bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy là 150 triệu đồng/người…

Ngoài ra, các đối tượng nói trên nếu đến công tác tại các đơn vị: Trung tâm Pháp y, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần kinh, Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, trung tâm y tế các huyện: Kông Chro, Ia Pa, Đức Cơ, Krông Pa, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Prông còn được hỗ trợ thêm 50 triệu đồng/người…

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhưng đây là niềm hy vọng của đội ngũ viên chức ngành Y tế tỉnh, từ đó có thêm động lực, tinh thần để tiếp tục gắn bó lâu dài với nghề nghiệp mà mình đã chọn. Nghị quyết cũng được kỳ vọng sẽ tạo động lực để Gia Lai nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, phục vụ đắc lực cho công cuộc chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm