Thời sự - Sự kiện

Gia Lai phấn đấu năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 133 triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,57%/năm.

Ngày 25-12, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã ký ban hành Kế hoạch số 3627/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động số 70-CTr/TU ngày 4-10-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt đến năm 2030 gồm: tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,57%/năm. Tốc độ tăng trưởng ngành nông-lâm-thủy sản bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 6,25%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 12-12,5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 13,5-14%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt 9,85%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 11,28%/năm.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 133 triệu đồng/năm (giá hiện hành); tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản, công nghiệp xây dựng, dịch vụ, thuế sản phẩm tương ứng là 26,62%, 28,94%, 39,84%, 4,6%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với nông nghiệp chiếm khoảng 30%, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 45-50% trong tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp; tỷ trọng ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện giảm xuống còn 50-55%; tỷ trọng ngành công nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 40%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn dưới 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%.

Tầm nhìn đến năm 2045, Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; là tỉnh tiên phong trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học và công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng. Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo.

Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Quốc phòng-an ninh được đảm bảo vững chắc.

Tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường. Đóng góp tích cực vào sự phát triển chung về kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm