Điểm đến Gia Lai

Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 10,91%

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên vừa ký Quyết định số 637/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
 
Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố tuần tra rừng. Ảnh: Trần Đức
Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố tuần tra rừng. Ảnh: Trần Đức
Kế hoạch nhằm tạo được những chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh về vai trò và ý nghĩa quan trọng của các loại rừng; quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp, phát triển rừng và đưa ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thực sự trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh…
Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 10,91%; bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 47,75% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích). Trồng rừng 40.000 ha (phòng hộ 1.033 ha, sản xuất 38.967 ha), trong đó ít nhất 10.000 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 15.000 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Phát triển dược liệu dưới tán rừng đạt tối thiểu 6.500 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt từ 150.000 m3-300.000 m3/năm. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 30.000 ha. Nuôi dưỡng rừng và làm giàu rừng 20.000 ha. 
Cùng với đó, thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm hạt nhân để phát triển sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh và khu vực. Phấn đấu giao đất, giao rừng, cho thuê đất thuê rừng đạt ít nhất 60% diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã hiện đang quản lý. Đồng thời, Kế hoạch nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và miền núi, đến năm 2025, giá trị thu nhập của người dân làm nghề rừng tăng 2 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với năm 2020.
Ban Quản lý rừng Phòng hộ Chư Mố tổ chức phát đọn thực bì phòng chống cháy rừng. Ảnh: Trần Đức
Ban Quản lý rừng Phòng hộ Chư Mố tổ chức phát dọn thực bì phòng chống-cháy rừng. Ảnh: Trần Đức
Kế hoạch cũng đặt ra 3 nhiệm vụ chủ yếu và 9 giải pháp nhằm thực hiện thành công Chương trình.
Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là hơn 7.978,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn các dự án đã được tổng hợp, đề xuất trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 610,5 tỷ đồng; vốn sự nghiệp địa phương tự cân đối trên 149,1 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách tỉnh); vốn ngoài ngân sách do tỉnh tự huy động, kêu gọi đầu tư hơn 6.924,6 tỷ đồng; vốn đề xuất trung ương phân bổ cho tỉnh để triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên 294,6 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, đơn vị chủ rừng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện, kiểm tra, giám sát và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch.
TRẦN ĐỨC
 

Có thể bạn quan tâm