Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai: Phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030, trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng ưu tiên nhằm hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm.

Sản phẩm thịt heo Brong một nắng của huyện Đức Cơ đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Hà Duy
Sản phẩm thịt heo Brong một nắng của huyện Đức Cơ đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Hiện nay, hơn 95% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp này không có bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ (SHTT), chủ yếu quan tâm đến đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hay logo đơn vị. Trong khi đó, theo phân tích của ông Phan Ngân Sơn-Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), SHTT có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, là tài sản cốt lõi trong nền kinh tế tri thức, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại… Đồng thời, SHTT còn là tài sản vô hình giúp doanh nghiệp kiểm soát, bảo vệ đơn vị trước các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa được hỗ trợ, quan tâm đúng mức.

Tính tới thời điểm này, Gia Lai mới chỉ có 10 sản phẩm địa phương được xác lập quyền SHTT. Trong đó, 4 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể là hồ tiêu Chư Sê, gạo Phú Thiện-Gia Lai, rau An Khê-Gia Lai và chỉ dẫn địa lý Mang Yang cho gạo Ba Chăm. Ngoài ra còn có 5 sản phẩm đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về bảo hộ nhãn hiệu của Cục SHTT là rau Đak Pơ, phở khô Gia Lai, khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, gạo Ia Lâu-Chư Prông, thịt bò Krông Pa; 3 sản phẩm trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ gồm: chôm chôm Ia Grai, chanh dây Gia Lai và chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP chưa có chứng nhận quyền SHTT, chưa được cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu trên thị trường. Nguyên nhân một phần do chủ sở hữu sản phẩm chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này hoặc ngần ngại về thủ tục.

 Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như người dân có nhu cầu bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ. Ảnh: Hà Duy
Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như người dân có nhu cầu bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ. Ảnh: Hà Duy
Ông Phan Ngân Sơn-Phó Cục trưởng Cục SHTT: Đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của mình. Hệ thống tự động hóa công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, nộp đơn trực tuyến cũng đang được áp dụng tại Cục SHTT, giúp người nộp đơn được tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác, thuận tiện.

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết: Sở luôn chú trọng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như người dân có nhu cầu bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, nhất là cho các sản phẩm chủ lực địa phương trong việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; phát triển các sản phẩm theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Sở cũng tích cực phối hợp với Cục SHTT hỗ trợ và đẩy mạnh việc cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm, dịch vụ địa phương, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh.

Để giúp doanh nghiệp hình thành, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030”. Mục tiêu cụ thể của chương trình là đến năm 2030, tỉnh phấn đấu hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho tối thiểu 10 sáng chế/giải pháp hữu ích, 15 kiểu dáng công nghiệp, 25 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang địa danh của tỉnh cho các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân tăng 10-15%/năm. Cùng với đó là có tối thiểu 90% sản phẩm chủ lực của tỉnh và 100% sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Ngoài ra, tỉnh còn thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, để triển khai hiệu quả chương trình, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tạo dựng tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước và ngoài nước. “Sở sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả thực thi chống xâm phạm quyền SHTT, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về SHTT và thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị tập huấn, hội thảo nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT trong cộng đồng”-ông Hải cho hay.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm