Xã hội

Lao động - Việc làm

Gia Lai: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thị trường lao động đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Những năm qua, việc phát triển thị trường lao động của tỉnh Gia Lai luôn hướng đến sự linh hoạt, đồng bộ, hiện đại và mang tính bền vững.

Với nguồn lao động dồi dào, Gia Lai được xem là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong nước và làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) cho biết: Để phát triển thị trường lao động, tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh; thu hút đầu tư để tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và đào tạo các ngành nghề phù hợp với thị trường lao động. Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực đào tạo trên 11.000 lao động/năm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đóng vai trò quan trọng trong kết nối cung-cầu lao động. Ảnh: M.T

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đóng vai trò quan trọng trong kết nối cung-cầu lao động. Ảnh: M.T

Ngày 18-4-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 884/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 61%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 20%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.

Ngoài ra, duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 1%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%... Trên cơ sở này, Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động gắn với thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động.

“Thực hiện Kế hoạch số 2399/KH-UBND ngày 7-9-2023 của UBND tỉnh về thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin về người lao động và thị trường lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, Sở LĐ-TB và XH cùng các địa phương đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo, công chức phụ trách lĩnh vực chính sách lao động của phòng LĐ-TB và XH các huyện, thị xã, thành phố; công chức làm công tác LĐ-TB và XH tại các xã, phường, thị trấn; điều tra viên cơ sở… Dự kiến việc thu thập sẽ hoàn thành vào tháng 12”-ông Tùng thông tin.

Cùng với các địa phương khác, Phòng LĐ-TB và XH huyện Đak Đoa cũng đang phối hợp với 17 xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho điều tra viên thực hiện thu thập thông tin về người lao động và thị trường lao động trên địa bàn. Ông Nguyễn Trọng Hà-chuyên viên Phòng LĐ-TB và XH huyện-chia sẻ: “Sau khi được Sở LĐ-TB và XH tập huấn, tôi đã trực tiếp xuống các xã có nhu cầu hỗ trợ để hướng dẫn lại cho điều tra viên cơ sở. Đến nay, khoảng 50% số xã đã hoàn thành công tác tập huấn và bắt đầu triển khai nhiệm vụ”.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đóng vai trò quan trọng trong kết nối cung-cầu lao động, góp phần điều chỉnh thị trường lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, thời gian gần đây, các doanh nghiệp có phần hạn chế tuyển dụng lao động. Trước thực tế này, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh thông tin thị trường lao động; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh nhất.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tập huấn về thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin người lao động và thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Ảnh ĐVCC

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tập huấn về thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin người lao động và thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Ảnh ĐVCC

Theo ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đơn vị luôn chú trọng nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động làm việc tại các doanh nghiệp và nguồn cung lao động nhằm đẩy mạnh hoạt động kết nối cung-cầu thị trường. Ngoài ra, để việc thông tin thị trường lao động đem lại hiệu quả, Trung tâm còn giữ mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng; khai thác thông tin việc làm để tư vấn cho người lao động tìm được công việc phù hợp.

Định kỳ mỗi tháng, Trung tâm gửi thông báo tuyển dụng lao động đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội nghị tuyên truyền về chính sách lao động việc làm, thông tin thị trường lao động. Trong quý III-2023, Trung tâm tiến hành thu thập thông tin tuyển dụng của 126 doanh nghiệp với 1.034 vị trí việc làm trống; thu thập thông tin của 933 lao động có nhu cầu tìm việc (tăng 129% so với quý II) và kết nối thành công cho 240 lao động đăng ký tìm việc làm.

“Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV-2023 khoảng 150-250 vị trí làm việc trống, tập trung ở các nhóm nghề: kế toán, tư vấn, bán hàng, nhân viên kinh doanh, cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, giáo viên, lĩnh vực nông-lâm nghiệp... Trong đó, nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 25-40%, còn lại là dành cho lao động giản đơn chưa qua đào tạo. Riêng nguồn cung ứng nhân lực bình quân khoảng 200-300 lao động/tháng”-ông Truyền cho hay.

Có thể bạn quan tâm