Xã hội

Gia Lai phục hồi xuất khẩu lao động sau đại dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm bị “đóng băng” do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang dần phục hồi. Đó là cơ sở để Gia Lai đặt mục tiêu đưa 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022.
Nhiều hình thức tuyển lao động xuất khẩu
Ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết: Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng đưa người đi XKLĐ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp phép và qua kênh Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) triển khai kế hoạch đưa lao động trong tỉnh đi XKLĐ ngay từ đầu năm. “Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã kết nối cho hơn 50 lao động đăng ký đi XKLĐ tại Hàn Quốc, Đài Loan và thực tập sinh tại Nhật Bản. Sau khi lao động xuất cảnh, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình, các công ty đưa lao động đi XKLĐ và Trung tâm Lao động ngoài nước để quản lý lao động”-ông Truyền cho hay.
Hiện nay, thị trường lao động các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức hứa hẹn giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh với mức thu nhập cao. Trước đây, Nhật Bản chủ yếu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam làm ở các ngành như: cơ khí, điện tử, dệt may. Gần đây, nước này đã mở rộng ở hầu hết các ngành, nghề như: xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, hộ lý… Các thị trường khó tính như Đức và các nước Đông Âu cũng có nhu cầu về lao động nhiều hơn.
Lao động Việt Nam làm nghề chế biến thực phẩm tại Nhật Bản. Ảnh: Hà Loan
Lao động Việt Nam làm nghề chế biến thực phẩm tại Nhật Bản. Ảnh: Hà Loan
Ngoài tư vấn, tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thời gian qua, nhiều công ty có chức năng XKLĐ trong nước đã về tận các địa phương để tuyển dụng và hỗ trợ người lao động đi XKLĐ thuận lợi, an toàn, thu nhập cao. Bà Hà Thị Loan-cán bộ Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtatco) cho biết: Mỗi năm, Công ty có nhu cầu tuyển dụng 300-500 lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản với những ngành nghề chủ đạo như: chế biến thực phẩm, lắp ráp cơ khí, vận hành máy, xây dựng… Mức lương cơ bản 30-35 triệu đồng/tháng, chưa tính lương tăng ca. Đối với lao động phổ thông (hợp đồng 3 năm) yêu cầu độ tuổi từ 18 đến 30, trình độ học vấn lớp 9 trở lên. Người lao động sẽ học tiếng Nhật 6 tháng trước khi xuất cảnh, được học nghề, giáo dục định hướng, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, Công ty còn hỗ trợ khám sức khỏe cho người lao động và nhiều chính sách đãi ngộ khác đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Mỗi năm, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động phổ thông sang làm việc tại Lào và Campuchia trong lĩnh vực nông nghiệp với ngành nghề: chăm sóc vườn cây, khai thác mủ cao su, chăn nuôi heo... Mức lương khởi điểm của người lao động khoảng 8-12 triệu đồng/tháng. Người lao động yên tâm làm việc tại các nông trường trồng trọt, chăn nuôi và được đào tạo tay nghề, bố trí nơi ăn, ở tiện lợi và được chăm sóc sức khỏe.
Quan tâm hỗ trợ người lao động
Khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các thị trường lao động khôi phục trở lại thì người lao động có rất nhiều cơ hội đi XKLĐ. Tháng 10-2021, chị Nguyễn Thùy Trinh (huyện Phú Thiện) đã hoàn tất thủ tục XKLĐ sang Nhật Bản. Thời điểm xuất cảnh cũng đã được ấn định trong tháng 12-2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tất cả lao động đều tạm hoãn xuất cảnh. “Tin tức về dịch bệnh và lệnh dừng xuất cảnh khiến tôi rất hụt hẫng. Nhưng đó không phải chuyện của riêng mình nên tôi cố gắng chờ đợi”-chị Trinh chia sẻ. Đến tháng 4-2022, chị Trinh đã được sang Nhật Bản làm việc. Trao đổi qua Zalo, chị Trinh cho biết: “Làm việc trong dây chuyền chế biến thực phẩm phù hợp với sức khỏe của tôi. Cơ sở nhà xưởng chế biến rất sạch sẽ, mát mẻ. Mức thu nhập đạt 20 triệu đồng/tháng”.
Sau khi học xong ngành Kế toán, anh Rlan Bring (làng Grai Mek, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) đã đăng ký XKLĐ tại Đài Loan. Anh cho biết: “Tôi có người bạn đã đi làm việc tại Đài Loan 2 năm, công việc ổn định, lương cao. Từ những chia sẻ của bạn, tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Đại dịch Covid-19 đã tạm lắng, nhiều nước mở cửa cho lao động Việt Nam sang làm việc. Vì thế, tôi đăng ký tham gia XKLĐ và mong có cơ hội làm việc tại Đài Loan trong thời gian tới”.
Lao động tham gia tư vấn trực tiếp tại các gian hàng việc làm. Ảnh: Đinh Yến
Lao động tham gia tư vấn trực tiếp tại các gian hàng việc làm. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Văn Anh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: “Từ năm 2015, công tác XKLĐ được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. Huyện phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng XKLĐ nắm bắt tình hình và tuyên truyền về chính sách XKLĐ của Nhà nước. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, người dân đã hiểu rõ hơn về chương trình XKLĐ và tích cực tham gia. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có gần 400 lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ba Lan, Đài Loan, Ả Rập Xê Út…”. 
Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai-cho biết: Từ nay đến cuối năm, các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực phối hợp với các công ty có chức năng XKLĐ đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động. Các công ty XKLĐ được Sở giới thiệu về cơ sở cũng cần tích cực triển khai kế hoạch với chính sách thực sự ưu đãi, cạnh tranh. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có trách nhiệm tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm (ngày 10 hàng tháng) hiệu quả, tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động về tận làng, xã... Sắp tới, Sở phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh giúp người lao động được vay vốn ưu đãi, cấp hộ chiếu, khám sức khỏe... để tham gia XKLĐ.
ĐINH YẾN
 
 

Có thể bạn quan tâm