Xã hội

Gia Lai quan tâm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chính sách giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ lao động tự do theo Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai đã giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1-7-2021 đến hết 30-6-2022) cho người lao động. Theo đó, tạm tính trong thời gian 12 tháng, toàn tỉnh có 1.995 đơn vị với 38.097 lao động được hỗ trợ giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 11,5 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Trong thời gian các đơn vị được giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động không may bị bệnh nghề nghiệp hoặc xảy ra tai nạn lao động vẫn được hưởng các quyền lợi theo quy định. Bên cạnh đó, cũng trong thời gian này, đơn vị tuyển dụng thêm lao động vẫn được tính giảm mức đóng vào Quỹ.
Ông Mai Thanh Trang-Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam tại Gia Lai-cho biết: “Chi nhánh có hơn 100 cán bộ, công nhân tham gia đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Căn cứ Luật An toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp còn tham gia đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giúp đơn vị tiết giảm một phần chi phí trong thời gian 1 năm”.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại TP. Pleiku. Ảnh: Đinh Yến
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại TP. Pleiku. Ảnh: Đinh Yến
Tương tự, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh, tính đến ngày 23-10, kinh phí hỗ trợ 7.711 lao động tự do không có giao kết hợp đồng là 11,56 tỷ đồng. Bà Bùi Thị Hồng (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho hay: “Tôi phụ bán cho một quán ăn tại thị trấn Phú Túc. Dịch bệnh xảy ra, theo yêu cầu của địa phương, quán phải tạm đóng cửa để phòng dịch. Theo chính sách của Nhà nước, tôi thuộc diện đối tượng lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Khoản hỗ trợ phần nào giúp tôi có kinh phí chi dùng trong sinh hoạt”. 
Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn các địa phương triển khai kịp thời, chính xác, minh bạch các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, giúp họ có thêm điều kiện vượt qua giai đoạn dịch bệnh. “Đến hết ngày 31-12-2021, chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động sẽ kết thúc. Đến thời điểm này, tỉnh ta không chỉ quan tâm hỗ trợ cho lao động tự do, quan tâm đưa công dân từ các tỉnh phía Nam bị mắc kẹt do dịch bệnh trở về địa phương mà còn thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân, tạo điều kiện để người lao động sớm được tiêm vắc xin. Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh sẵn sàng tiếp nhận công nhân vào làm việc để giúp người lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống”-ông Hải nhấn mạnh.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm