Xã hội

Gia Lai quan tâm xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để góp phần hạn chế tình trạng cháy nổ, nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn ngay tại cơ sở, tỉnh Gia Lai đã thành lập 932 đội dân phòng tham gia bảo vệ an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy với hơn 1.000 đội viên. Lực lượng này đã phát huy phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời dập tắt nhiều đám cháy, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Những năm qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) đã chủ động tham mưu giúp Đảng ủy-Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành cũng như các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2020, Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCCC… Trong đó, nội dung trọng tâm là củng cố, duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong hoạt động PCCC; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, trên địa bàn tỉnh hiện có 932 đội dân phòng tham gia bảo vệ an ninh trật tự và PCCC ở cơ sở với hơn 1.000 đội viên. Qua tuyên truyền và huấn luyện, nhận thức, trách nhiệm của lực lượng dân phòng đối với công tác PCCC và CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chữa cháy, cứu nạn đạt hiệu quả cao hơn. Theo đó, trong năm 2020 và 9 tháng của năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 61 vụ cháy thì các lực lượng ở cơ sở đều tham gia từ đầu, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC để dập lửa được 39/61 vụ (64%), góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Hội thao PCCC toàn tỉnh. Ảnh: Lê Anh
Hội thao PCCC toàn tỉnh. Ảnh: Lê Anh
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc xây dựng đội PCCC cơ sở còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục đích đề ra. Tại một số địa bàn, lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở chưa được trang bị đầy đủ trang phục, phương tiện PCCC theo quy định của Bộ Công an. Vì vậy, khi xảy ra cháy, nổ, lực lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu về xử lý. Mặt khác, Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định rõ: Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng nhưng không thấp hơn 15% mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, đội ngũ này vẫn chưa được hỗ trợ.
Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-cho biết: “Lực lượng dân phòng luôn là những người đầu tiên phát hiện và tổ chức cứu chữa các tình huống cháy, nổ giai đoạn ban đầu. Khi sự cố mới xảy ra, chỉ cần sử dụng phương tiện chữa cháy đã được trang bị tại chỗ để xử lý thì hiệu quả chữa cháy sẽ cao. Do đó, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm xây dựng, kiện toàn lực lượng PCCC dân phòng cả về số lượng và chất lượng; đầu tư kinh phí trang bị, phương tiện chữa cháy đúng quy định. Tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để tổ chức huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ, chiến thuật PCCC cho lực lượng này. Có các hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC nhằm phát động, khuyến khích và thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh”.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm