Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Gia Lai: Quân và dân cùng ngăn chặn xuất-nhập cảnh trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”, người dân các xã biên giới trên địa bàn tỉnh Gia Lai tự nguyện ký cam kết cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đấu tranh, tố giác hoạt động xuất-nhập cảnh trái phép nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Dịch Covid-19 ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường với liên tiếp các ca nhiễm mới ghi nhận trong những ngày qua. Còn ở nước láng giềng Campuchia, dịch bệnh cũng bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành. Vì vậy, nhiều tháng qua, lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh kiên cường bám chốt, siết chặt quản lý biên giới để thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”. Mới đây, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tăng cường 48 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp lên tuyến biên giới để tham gia cùng lực lượng bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quyết liệt đấu tranh với các đối tượng xuất-nhập cảnh trái phép, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về các biện pháp phòng dịch. Ảnh: Anh Huy
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về các biện pháp phòng dịch. Ảnh: Anh Huy

Để huy động sức mạnh của Nhân dân trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 và đấu tranh ngăn chặn xuất-nhập cảnh trái phép, ngày 17-5, Thường trực Tỉnh ủy đã có Công văn số 409-CV/TU yêu cầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là các xã khu vực biên giới căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Biên phòng phát động, tổ chức tốt phong trào “Toàn dân tham gia phòng-chống dịch Covid-19 và xuất-nhập cảnh trái phép”. Ngày 25-5, UBND tỉnh có công văn về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng-chống dịch Covid-19; ngăn chặn xuất-nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Phú-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) cho hay, công tác tuyên truyền đang được xã phối hợp triển khai bằng nhiều hình thức. Xã đã cử lực lượng dân quân thường trực lên các chốt kiểm soát phòng dịch để tham gia cùng bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát biên giới. Đồng thời, xã phối hợp với Đội Công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Pnôn vận động các hộ dân trên địa bàn ký cam kết chấp hành nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, không xuất-nhập cảnh trái phép, không tiếp tay, bao che, giúp đỡ, tổ chức cho người xuất-nhập cảnh trái phép; kịp thời thông báo, tham gia tố giác tội phạm… “Người dân trong xã chấp hành rất nghiêm các quy định về phòng-chống dịch. Một số trường hợp lấy chồng, lấy vợ bên Campuchia nhưng từ khi có dịch đều không qua lại thăm thân. Ngay cả khi trong làng, trong gia đình có người chết, bà con cũng chỉ gọi điện thăm hỏi, chia buồn chứ tuyệt đối không qua lại”-ông Phú thông tin.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) tuyên truyền phòng-chống vượt biên cho người dân. Ảnh: Anh Huy
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) tuyên truyền phòng-chống vượt biên cho người dân. Ảnh: Anh Huy
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến nay, tại 7 xã biên giới của tỉnh đã có 7.763/12.024 hộ ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 và chống xâm nhập, vượt biên. Đại úy Nguyễn Viết Hoàn-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) cho biết: Đơn vị đã phối hợp với địa phương vận động 1.232/2.676 hộ dân ký cam kết. Trong đó, 78 hộ có nương rẫy gần khu vực đường biên, cột mốc; 265 hộ có quan hệ thân tộc với người dân Campuchia đều đã ký cam kết. Ngoài ra, đơn vị cũng cử lực lượng tuyên truyền, vận động chủ xe khách, xe buýt, tàu, thuyền ký cam kết chấp hành nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch, không tham gia tiếp tay, vận chuyển đối tượng vượt biên… Sau khi đọc kỹ các nội dung và ký vào tờ cam kết, bà Rơ Mah Hlên (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Dịch bệnh rất nguy hiểm. Vì vậy, bà con đều thực hiện đúng các biện pháp phòng dịch để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh”.
Tại xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông), công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh qua hệ thống loa truyền thanh ở các thôn, làng đều đặn vào mỗi buổi sáng, chiều với thời lượng 30 phút/buổi. Đội Công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Mơr đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể duy trì tiếng loa di động để chuyển tải thông tin bằng 2 thứ tiếng Kinh và Jrai đến từng ngõ và đến từng nương rẫy nơi người dân đang canh tác. Tại các chốt kiểm soát phòng-chống dịch, lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch. Già làng Ksor HBlâm (làng Krông, xã Ia Mơr) cho biết: “Tiếng loa ngày nào cũng phát; cán bộ gặp ai cũng nói. Lâu dần, mọi thứ ăn sâu vào trong suy nghĩ, làm thay đổi dần nhận thức của bà con. 100% hộ dân trong làng, trong xã đã tự nguyện ký cam kết chấp hành nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch, không vi phạm, không bao che, tiếp tay cho các đối tượng vượt biên. Hầu hết người dân đều nêu cao tinh thần tự giác, thấy bất kỳ người lạ mặt nào vào địa bàn, dù với mục đích gì đều báo ngay cho lực lượng chức năng”.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm