Kinh tế

Tài chính

Gia Lai: Quy định tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 41/2024/QĐ-UBND ngày 14-8-2024 về quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội (lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức và lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức); tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích (người đại diện cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu di tích tư nhân, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý di tích kiêm nhiệm); tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa được tổ chức hàng năm tại di tích An Khê Trường (thị xã An Khê; thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo). Ảnh: Mộc Trà
Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa được tổ chức hàng năm tại di tích An Khê Trường (thị xã An Khê; thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo). Ảnh: Mộc Trà

Việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội được thực hiện theo quy định tại Chương II Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19-1-2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Đối với tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng thì đơn vị sự nghiệp công lập đó sẽ thực hiện việc tiếp nhận. Số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) được trích theo tỷ lệ 10% để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn tỉnh (không áp dụng đối với di tích có số thu tiền công đức, tài trợ thấp không đủ chi cho hoạt động lễ hội và chi thường xuyên). Số tiền này chuyển vào tài khoản riêng của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Cùng với đó, trích để lại 10% để chi hoạt động lễ hội (áp dụng đối với di tích có hoạt động lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích). Trường hợp đơn vị không được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội thì chuyển số tiền này vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội.

Ngoài ra, trích để lại 30% để chi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đơn vị được tự chủ sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và được tổng hợp vào các khoản thu xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Số còn lại, được để lại chi các khoản đặc thù. Đến cuối năm, số dư kinh phí (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của di tích.

Đối với tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội giao Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng thì Ban quản lý di tích kiêm nhiệm thực hiện việc tiếp nhận. Số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) được trích theo tỷ lệ 10:10:30 % tương ứng với các nhiệm vụ như đối với tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng.

Được biết, Quyết định số 41/2024/QĐ-UBND sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-8-2024.

Có thể bạn quan tâm