(GLO)- Mặc dù tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động phòng-chống lao nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Vì vậy, ngăn chặn, tiến tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng là mục tiêu cần quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh lao, Gia Lai là địa phương có tỷ lệ người mắc lao đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Từ năm 2013 đến năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 3.538 người mắc lao các thể, gồm: lao kháng đa thuốc: 13 trường hợp; người nhiễm HIV mắc lao: 40 trường hợp; lao trẻ em: 70 trường hợp; lao AFB dương tính: 1.745 trường hợp; lao AFB âm tính và ngoài phổi: 1.670 trường hợp. Bình quân mỗi năm tỉnh ta ghi nhận 689 bệnh nhân lao các thể; riêng từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 400 bệnh nhân mắc lao. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã khám, điều trị cho gần 800 lượt bệnh nhân.
Tỷ lệ người mắc bệnh lao tại tỉnh ta còn ở mức cao. Ảnh: N.T |
Theo bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, số người mắc bệnh lao ở tỉnh ta còn ở mức cao là do hiểu biết của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, còn hạn chế; bệnh nhân thường che giấu bệnh do sợ bị kỳ thị, thiếu hợp tác với bác sĩ, không điều trị theo đúng phác đồ; sự vào cuộc chưa đồng bộ và quyết liệt của ngành Y tế cũng như các cấp chính quyền; thiếu nhân lực tại cơ sở điều trị và đội ngũ làm công tác phòng-chống lao không ổn định; thiếu kinh phí trong hoạt động phòng-chống lao.
Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động phòng-chống lao, đặc biệt là công tác tuyên truyền. Cụ thể là thành lập Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh lao các cấp; phê duyệt kế hoạch phòng-chống lao theo từng giai đoạn; đầu tư kinh phí mua sắm trang-thiết bị phục vụ công tác điều trị tại các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Tỉnh cũng đã triển khai mạng lưới phòng-chống bệnh lao đến cấp xã, toàn tỉnh hiện có 1 bệnh viện điều trị lao và 19 tổ chống lao.
Giai đoạn 2013-2017, Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh lao các cấp đã triển khai nhiều hoạt động để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Theo đó, có 1.466 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh lao; công tác truyền thông về bệnh lao được đẩy mạnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Mẫy-Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe tỉnh-chia sẻ: “Xác định công tác phòng-chống bệnh lao chủ yếu là nâng cao ý thức của người dân, do đó, từ năm 2013 đến 2017, Trung tâm phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hàng trăm đợt truyền thông trực tiếp; treo băng rôn, khẩu hiệu về tác hại của bệnh lao và cách phòng tránh tại khu vực đông dân cư; tổ chức mít tinh phòng-chống bệnh lao tại một số địa phương. Riêng năm 2018, chúng tôi đã tuyên truyền cộng đồng phòng-chống lao bằng nhiều hình thức: treo băng rôn tại các tuyến đường của TP. Pleiku; phối hợp với các cơ quan truyền thông phát các chuyên mục và đăng tải bài viết phòng-chống bệnh lao, họp dân tuyên truyền...”.
Dù vậy, trên thực tế, công tác phòng-chống bệnh truyền nhiễm này còn gặp không ít khó khăn, tỷ lệ người mắc lao còn cao. Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác phòng-chống lao giai đoạn 2013-2017 và triển khai kế hoạch phòng-chống giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030, bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh-đã phê bình sự vào cuộc thiếu quyết liệt của ngành Y tế, các cấp chính quyền trong việc triển khai hoạt động phòng-chống lao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phòng-chống bệnh lao. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người mắc lao trong cộng đồng giảm xuống còn 30/100.000 dân; số người chết do lao giảm xuống dưới 3/100.000 dân; khống chế số người mắc lao đa kháng thuốc xuống dưới 3%. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh ta sẽ loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng với tỷ lệ người mắc dưới 20/100.000 dân.
Nguyễn Tú