(GLO)- Theo lộ trình số hóa truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T2 (Digital Video Broadcasting-Terrestrial 2-thế hệ thứ 2), Gia Lai sẽ chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) từ ngày 30-11-2020. Theo đó, Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) Gia Lai đã có những sự chuẩn bị cụ thể, sẵn sàng chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Hóa-Phó Giám đốc Đài PT-TH Gia Lai xung quanh vấn đề này.
*P.V: Xin ông cho biết truyền hình số mặt đất có gì ưu việt hơn so với truyền hình tương tự?
- Ông Hà Văn Hóa: Truyền hình tương tự hay còn gọi là truyền hình analog (Analog television hoặc Analogue television) là kỹ thuật thu phát sóng truyền hình có từ lâu đời, sử dụng tín hiệu tương tự để truyền tải hình ảnh và âm thanh. Hạn chế của công nghệ analog là chất lượng hình ảnh, âm thanh không cao, dễ bị nhiễu sóng khi thời tiết xấu, dung lượng chứa rất lớn, không thể nén và giải nén được. Mỗi một chương trình chiếm một tần số và một máy phát (muốn phát nhiều chương trình như VTV1,VTV2… VTVn thì cần tần số kênh F1, F2... Fn và máy phát cũng vậy), như vậy tiêu thụ rất nhiều năng lượng điện.
Còn truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T2 là công nghệ chuyển đổi từ truyền hình tương tự (analog) sang kỹ thuật số (digital). Hiểu một cách đơn giản, truyền hình kỹ thuật số mặt đất giống như truyền hình analog, nhưng với DVB-T2, một kênh phát sóng có thể ghép phát 1-30 chương trình truyền hình. Không chỉ tăng số lượng chương trình truyền hình mà chất lượng chắc chắn cũng được cải thiện hơn rất nhiều nhờ kỹ thuật số, có thể nén và giải nén bao gồm việc xem độ phân giải cao lên đến 1080i đúng tỷ lệ 16:9 với âm thanh và hình ảnh sống động, có chiều sâu, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Ưu điểm của DVB-T2 là tiết kiệm được tần số kênh phát sóng, năng lượng điện tiêu thụ, phát HD, phát trên nền internet, điện thoại di động..., đặc biệt có thể thu cố định hoặc di động trên các phương tiện giao thông như ô tô hay tàu hỏa.
Đài PT-TH Gia Lai tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho kỹ thuật viên để sẵn sàng số hóa truyền hình mặt đất. Ảnh: Hà Duy |
*P.V: Vậy Đài PT-TH Gia Lai hiện đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết gì để triển khai truyền hình số mặt đất, thưa ông?
- Ông Hà Văn Hóa: Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ năm 2010 đến nay Đài PT-TH Gia Lai đã được đầu tư nhiều trang-thiết bị hiện đại như các bộ dựng HD, phim trường ảo, hệ thống khai thác in thu HD, hệ thống camera HD cho phóng viên và camera phim trường, hệ thống phát sóng tự động HD để phát sóng các chương trình của Gia Lai lên vệ tinh, hệ thống truyền hình cáp SCTV, VTVcab, MyTV, FPT, Viettel... Đây cũng là bước chuẩn bị cho việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất.
Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng lắp đặt trên đỉnh núi Hàm Rồng (độ cao 1.028 m) 1 máy phát hình truyền hình số mặt đất có công suất 2,4 KW (1 KW công suất DVB-T2 = 5 KW analog), phát kênh 27, chuẩn phát DVB-T2; băng tần phát UHF; tần số 522 MHz trên trụ ăng ten cao 50 m, phát vô hướng trên địa bàn tỉnh. Đài Truyền hình Việt Nam chính thức phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh từ ngày 12-10-2017 với 11 kênh VTV (gồm: VTV1 HD, VTV2 HD, VTV3 HD, VTV4, VTV5, VTV6 HD, VTV7, VTV8 HD, VTV9 HD) và kênh Truyền hình Gia Lai, VTV5 Tây Nguyên. Theo đó, kênh Truyền hình Gia Lai được truyền tải trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng DVB-T2 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Thời gian qua, Đài PT-TH Gia Lai cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật. Do vậy, đến thời điểm này, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để thực hiện việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình số theo đúng lộ trình.
*P.V: Thưa ông, vậy có phải tất cả người dân trên địa bàn tỉnh đều sẽ xem được truyền hình số mặt đất?
- Ông Hà Văn Hóa: Gia Lai là một tỉnh miền núi có địa hình lồi lõm, nhiều đồi dốc, không bằng phẳng. Vì vậy khi số hóa truyền hình mặt đất sẽ có một số địa phương không xem được, như 5 huyện, thị xã phía Đông tỉnh gồm: Krông Pa, Kông Chro, Kbang, Đak Pơ, An Khê và một số xã vùng sâu, vùng xa khác như xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), xã Ayun (huyện Chư Sê)…
Tuy nhiên, theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”, các hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số trước khi kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang truyền hình số theo lộ trình đề ra. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai rà soát để hỗ trợ đầu thu vệ tinh hoặc bộ giải mã cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách để người dân có thể xem được truyền hình. Còn đối với những hộ không xem được truyền hình số mặt đất thì có thể xem qua truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, MyTV hoặc internet…
*P.V: Xin cảm ơn ông!
HÀ DUY (thực hiện)