Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Gia Lai: "Sống khỏe" với nghề rèn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nông cụ được sản xuất từ các lò rèn trên địa bàn thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa, Gia Lai) có tiếng là bền và tiện dụng. Tiếng lành đồn xa, không chỉ nông dân địa phương mà các huyện, thị xã, thậm chí tỉnh thành khác tìm đến để đặt hàng. Mặc dù không còn phồn thịnh như trước, song nghề rèn tại đây vẫn đang được duy trì.
Trên địa bàn thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) hiện có khoảng 16 lò rèn quy mô lớn nhỏ khác nhau. Trong số đó có những lò ra đời cách đây hơn 30 năm, làm nên tên tuổi nghề rèn Đak Đoa.
 Nhiều năm phụ việc cho cha nên những kỹ thuật, bí quyết trong nghề đều được anh Trần Đình Thiểm nắm chắc. Ảnh: P.L
Nhiều năm phụ việc cho cha nên những kỹ thuật, bí quyết trong nghề đều được anh Trần Đình Thiểm nắm chắc. Ảnh: P.L
Chúng tôi đến thăm ông Trần Đình Phòng (tổ 6, thị trấn Đak Đoa)-một người gắn bó lâu năm với nghề rèn-khi ông đang ngồi xem đánh cờ trước hiên nhà. Nhấp một ngụm trà, ông Phòng nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, gắn với nghề trên vùng đất mới: “Năm 1983, tôi cùng gia đình từ Hải Dương chuyển vào đây sinh sống. Cũng như nhiều gia đình khác, ngoài làm việc ở nông trường cao su, chúng tôi còn làm rẫy. Trong một lần đi đặt hàng chiếc liềm cắt cỏ tranh ở cơ sở rèn của ông Hùng (học trò của ông Dư “Diệp Kính”-một lò rèn nổi tiếng lúc bấy giờ ở Pleiku), tôi “bén duyên” với nghề”. Lần đó, trong lúc chờ đợi, ông Phòng đã mày mò và tự cắt răng cho chiếc liềm, công việc đòi hỏi người thợ lành nghề, có nhiều kinh nghiệm mới làm được. Nhờ năng khiếu sẵn có, ông Phòng đến cơ sở rèn của ông Hùng để học nghề. 2 năm sau, ông được ông Hùng tin tưởng chuyển giao cơ sở rèn. Và người thợ rèn tên Phòng cũng bắt đầu nổi danh từ ấy.
Ông Phòng nhớ lại: Ngày ấy không có nhiều máy móc trợ giúp như bây giờ, chủ yếu làm thủ công. Từ một khối sắt, để cho ra sản phẩm phải trải qua 10 công đoạn nung, rèn, cắt, mài, giũa… rất vất vả. Trung bình mỗi ngày ông chỉ làm ra được khoảng 5 sản phẩm, làm 3-4 ngày thì phải nghỉ lấy sức một ngày. Trong các công đoạn, ngoài việc chọn sắt, thép tốt thì đập nguội và lấy nước tôi là khâu quyết định chất lượng sản phẩm. Đập nguội đủ độ sẽ giúp sản phẩm bền chắc, khó bị mẻ, gãy. Nước tôi không được già quá, cũng không được non quá và tùy theo nhiệt độ, thời tiết mà có cách tôi khác nhau. Từ kinh nghiệm cùng đôi tay lành nghề, hàng ngàn nông cụ do ông Phòng sản xuất đã được người làm nông đón nhận và yêu thích. Tiếng lành đồn xa, khách từ các huyện, thị xã, thậm chí từ các tỉnh Mộc Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đak Lak, Đak Nông… đã tìm đến đặt hàng. “Vui nhất là một lần có người đặt tôi làm 2 con dao 2 lưỡi để đem qua… Mỹ dùng”-ông Phòng vui vẻ nói.
Thường sử dụng nông cụ do lò rèn của ông Phòng sản xuất, bà Nguyễn Thị Nhanh (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho hay: “Vì nhà tôi chuyên làm nông nên phải chọn nông cụ loại tốt. Dù đường đến cơ sở của ông Phòng hơi xa nhưng bù lại chất lượng sản phẩm rất tốt”.  
Tại thị trấn Đak Đoa, cơ sở sản xuất nông cụ của ông Dũng cũng nổi tiếng không kém. Mở xưởng từ năm 1985, cơ sở của ông Dũng nổi tiếng nhất với sản phẩm dao cạo mủ cao su. Dao do cơ sở này sản xuất có lưỡi mỏng, sắc, đường cạo mịn cho nhiều mủ nên thường được công nhân đặt hàng. Ngoài ra, các sản phẩm như dao, cuốc, xẻng...  của cơ sở Dũng cũng được nhiều người tin dùng. Năm ngoái, sau khi ông Trần Minh Dũng, thợ chính của cơ sở-qua đời, bà Bùi Thị Loan, vợ ông-tiếp tục đứng ra quản lý tốp thợ, duy trì nghề truyền thống của gia đình.
Hiện nay, bước sang tuổi 60, sức yếu dần nên ông Phòng không làm rèn nữa; chỉ những khách hàng quen đến đặt riêng ông mới tự tay làm. Công việc trong xưởng giờ đây do con trai của ông là anh Trần Đình Thiểm đảm nhiệm. Từ nhỏ, anh Thiểm vẫn thường đến xưởng và phụ việc cho cha nên những kỹ thuật, bí quyết trong nghề rèn anh đều nắm chắc. Anh Thiểm chia sẻ: “Để duy trì nghề rèn, những người thợ như chúng tôi phải luôn đổi mới, sáng tạo, làm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường”. Vì vậy, bên cạnh các loại nông cụ truyền thống như dao, cuốc, xẻng…, anh Thiểm còn sản xuất thêm lưỡi câu liêm (dùng để cắt cành cây ở trên cao), dao cạo vỏ bời lời… Các sản phẩm này được sản xuất với số lượng lớn và bỏ sỉ cho mối bán nông cụ ở các khu chợ trong và ngoài huyện. Ngoài ra, anh Thiểm cũng nhận các đơn hàng thiết kế theo nhu cầu riêng của khách hàng.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm