Gia tăng ngộ độc và tử vong do ăn cóc
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Dũng-Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương và các thành viên trong đoàn đã nghe Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh báo cáo công tác triển khai đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh cùng sự phối hợp của UBND các huyện, các ban, ngành, đoàn thể nên công tác tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo ATTP được thuận lợi và đồng bộ. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATTP được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức và có nhiều cơ quan, ban, ngành cùng tham gia vào công tác tuyên truyền. Các tổ chức và cá nhân đã nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP; quan tâm đến việc xây dựng và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện |
Việc kiểm tra kiểm soát thị trường về ATTP được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Nhiều vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời. Nhiều mặt hàng thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc với số lượng lớn bị tịch thu và xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, được tăng cường và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về ATTP. Trong công tác thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh, lực lượng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý nghiêm các cơ sở chưa đảm bảo ATTP theo quy định của pháp luật. Công tác phòng-chống ngộ độc thực phẩm được các cơ quan quản lý chỉ đạo, triển khai thường xuyên và kịp thời theo từng thời điểm, từng mùa, phát hiện sớm và khắc phục kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Công tác thanh tra, kiểm tra, được tỉnh Gia Lai tăng cường, đẩy mạnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Ảnh: Như Nguyện |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế; trong đó tình hình kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có số lượng nhiều nhưng phần lớn nhỏ, lẻ, manh mún, không tập trung, thường bán kèm trong các cơ sở kinh doanh tạp hóa, phân bố rộng khắp đến cả vùng sâu, vùng xa nên khó khăn trong việc tuyên truyền, kiểm tra và xử lý. Phần lớn các địa phương không có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gây khó khăn trong công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
Vấn đề ngộ độc thực phẩm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là tình trạng sử dụng thịt, trứng, nội tạng cóc làm thực phẩm. Năm 2023 xảy ra 4 vụ và 1 ca ngộ độc thực phẩm do ăn cóc, đầu năm 2024 xảy ra 1 vụ. Các vụ ngộ độc do ăn thịt cóc làm 5 người tử vong tính từ năm 2023 đến nay.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Dũng hết sức lưu ý về tình hình ngộ độc do ăn cóc trên địa bàn tỉnh và đề nghị tỉnh làm rõ thêm vấn đề này, tại sao ngộ độc gia tăng và địa phương đã có giải pháp gì giảm thiểu tình trạng này trong thời gian đến.
Liên quan đến ngộ độc do ăn cóc, bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ-tổng hợp (Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh) cho biết: Số ca ngộ độc và tử vong do ăn cóc tăng đột biến trong năm 2023 và đầu năm 2024. Trong năm 2023, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh đã tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng, tổ chức các hội nghị chuyên đề nhưng vẫn chưa giảm thiểu được tình trạng này. Để giảm thiểu ngộ độc và tử vong do ăn cóc, chúng tôi đã đề xuất Cục An toàn thực phẩm kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản cấm kinh doanh cóc để góp phần phòng-chống ngộ độc cóc một cách hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra, quản lý về ATTP
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, thảo luận, trao đổi về việc đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng lưu ý vấn đề kiểm tra tại tỉnh cần tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Kiến nghị tại buổi làm việc, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế đề xuất: Chỉ thị số 17/CT-TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới yêu cầu cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ Trung ương tới địa phương. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm hướng dẫn kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo hướng chỉ một đầu mối thực hiện trên toàn quốc thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong công tác đảm bảo ATTP.
Đoàn kiểm tra tại Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện |
Buổi làm việc cũng ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh Gia Lai. Cụ thể, kiến nghị đối với các Bộ quản lý ngành, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương sớm thống nhất hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với hộ kinh doanh sản xuất thực phẩm: các cơ sở sản xuất thực phẩm đăng ký giấy phép hộ kinh doanh được ngành Công thương quy định không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong khi đó ngành Y tế và ngành Nông nghiệp và PTNT quy định phải cấp, do đó khó khăn trong công tác quản lý đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên trong đó có mặt hàng của ngành Công thương. Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương sớm ban hành các thông tư hướng dẫn và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý ngành.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Trần Văn Dũng-Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về ATTP, nhất là dịp cao điểm Tết Nguyên đán; tăng cường công tác truyền thông; triển khai các giải pháp giảm thiểu ngộ độc và tử vong do ăn cóc nói riêng, ngộ độc thực phẩm nói chung. Đoàn ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh và sẽ trình các cấp thẩm quyền xem xét theo quy định.
Dịp này, đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra đột xuất tại 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại TP. Pleiku gồm: Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Cao Nguyên và Công ty TNHH một thành viên Thùy Dung Gia Lai. Qua kiểm tra, 2 đơn vị chấp hành tốt các quy định trong đảm bảo ATTP.