Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; các hội, đoàn thể; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai; Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Gia Lai; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đối với hoạt động tín dụng CSXH, thực hiện hiệu quả hơn nữa các văn bản của Trung ương và của tỉnh về tín dụng CSXH.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh có điều kiện vươn lên nhờ tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Ảnh: Mộc Trà |
Trong đó, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm giao dịch, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH; tổ chức điều tra, rà soát, xác định, bổ sung và xác nhận đối tượng thụ hưởng tín dụng CSXH kịp thời làm cơ sở để Ngân hàng CSXH cho vay; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Gia Lai trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng CSXH.
Cụ thể: tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát cộng đồng, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH; thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH; tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH thực hiện các chương trình tín dụng CSXH. Cùng với đó, xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng CSXH.