Theo đó, ngành chức năng sẽ tập trung tuyên truyền đến người sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân về vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa của việc tham gia BHXH, nhất là việc tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo đời sống cho nhóm người lao động tự do, người có thu nhập thấp ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của người dân, từ đó nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân.
Tỉnh Gia Lai tăng cường truyền thông trong Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân năm 2024. Ảnh: Như Nguyện |
Công tác tuyên truyền đa dạng, truyền thông theo chiến dịch, kết hợp giữa hình thức tuyên truyền trực quan, đối thoại trực tiếp, các kênh thông tấn báo chí và nhất là các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo OA, Youtube,…nhằm tạo sự đồng thuận, sức hút và dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng. Các hoạt động truyền thông được triển khai đồng bộ, rộng khắp từ tỉnh đến các địa phương, cơ sở; thu hút sự quan tâm, phối hợp thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, nhất là Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) các cấp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Được biết, tính đến hết tháng 3-2024, toàn tỉnh có 96.860 người tham gia BHXH (trong đó BHXH bắt buộc 82.239 người, BHXH tự nguyện 14.621 người), tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước; tham gia bảo hiểm thất nghiệp có 70.422 người, tăng 0,47% so với cùng kỳ; có 1.306.517 người tham gia BHYT, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước.