Điểm đến Gia Lai

Gia Lai tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng trong suốt mùa khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 6-10, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 2267/KH-UBND về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm 2022-2023 và các năm tiếp theo. 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác PCCCR theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, các chỉ thị, nghị định, thông tư, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Gia Lai về chỉ đạo việc triển khai thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. Các cấp, các ngành, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức quản lý bảo vệ rừng và thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR trên diện tích rừng được giao quản lý. Tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng trong suốt mùa khô, nhất là thời gian cao điểm có nguy cơ cháy rừng cao để kịp thời phát hiện và tổ chức chữa cháy ngay khi đám cháy trong rừng mới phát sinh. 

Gia Lai tăng cường tuần tra, kiểm soát cháy rừng trong mùa khô 2022-2023. Ảnh: Phương Vi
Gia Lai tăng cường tuần tra rừng trong mùa khô 2022-2023. Ảnh: Phương Vi

Kế hoạch tập trung vào công tác phòng cháy rừng và chữa cháy rừng. Trong đó, đối với công tác phòng cháy rừng, Kế hoạch đặt ra cần phải củng cố thể chế, chính sách và đưa ra các giải pháp cụ thể như tăng cường công tác tuyên truyền; rà soát, khoanh vùng trọng điểm cháy; xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR; phát hiện sớm điểm cháy, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; đào tạo, tập huấn và diễn tập chữa cháy; xây dựng công trình PCCCR; trực và kiểm tra công tác PCCCR; kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy rừng. 

Đối với công tác chữa cháy rừng, Kế hoạch yêu cầu phải dập tắt lửa khẩn trương, kịp thời, triệt để; hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện, dụng cụ chữa cháy. Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh, chủ rừng, trạm quản lý bảo vệ rừng, tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng nơi gần nhất, cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất, chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, quân đội nơi gần nhất. Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng nêu giải pháp tổ chức chữa cháy cụ thể cho các trường hợp như: đám cháy mới phát sinh (cháy nhỏ); đám cháy phát hiện chậm, có nguy cơ lan rộng sang các khu vực xung quanh (đám cháy trung bình); đám cháy bùng phát trên quy mô lớn và nguy cơ cháy lan sang trên diện rộng (cháy lớn).

Tại Kế hoạch, UBND tỉnh cũng xây dựng biện pháp chữa cháy (trực tiếp và gián tiếp) cũng như phương án xử lý, khắc phục hậu quả sau cháy rừng và giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện cho các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong việc triển khai PCCCR mùa khô năm 2022-2023 và các năm tiếp theo. 

PHƯƠNG VI

 

Có thể bạn quan tâm