Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện rà soát, xác định nhiệm vụ, nguồn kinh phí thuộc dự toán ngân sách nhà nước giao các năm 2022, 2023, 2024 được chuyển nguồn sang năm 2025 và vốn đầu tư phát triển năm 2025 để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được giao, đúng mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ theo quy định.
Rà soát lại toàn bộ các công trình, dự án đã hoàn thành để đưa vào khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng mục tiêu, tránh thất thoát, lãng phí; lựa chọn, xác định các dự án cần triển khai năm 2025 bảo đảm trọng tâm, trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Triển khai các giải pháp tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo định kỳ, đột xuất. Hướng dẫn các địa phương triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2025 theo đúng quy định. Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các tiểu dự án, dự án do cơ quan, đơn vị mình chủ trì; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác giải ngân nguồn vốn và tiến độ triển khai thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2025; huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện Chương trình trên địa bàn và có giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo đã được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 2975/KH-UBND ngày 16-12-2024...
Tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện các văn bản quy định về các chính sách, chương trình giảm nghèo năm 2025; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng.
Triển khai tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đề xuất Chương trình giai đoạn 2026-2030 đảm bảo nội dung, tiến độ thực hiện theo yêu cầu. Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2025 trên địa bàn bảo đảm thực hiện đúng, đủ quy trình, xác định chính xác đối tượng, bảo đảm quy định về thời gian và hệ thống mẫu, biểu báo cáo. Bảo đảm kết quả giảm nghèo phản ánh được mức độ cải thiện các chiều thiếu hụt, tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân.
Đẩy mạnh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện; chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh.
Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo riêng huyện Kông Chro tổ chức rà soát, đánh giá đối với huyện nghèo theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.