Điểm đến Gia Lai

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Xã Ia Ka có 1.948 hộ với 8.236 khẩu, trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 75%. Cuối năm 2023, xã còn 108 hộ nghèo và 590 hộ cận nghèo.

ia-ka-da-dang-giai-phap-ho-tro-giam-ngheo-dd.jpg
Các tuyến đường liên thôn ở xã Ia Ka được đầu tư xây dựng bài bản, giúp người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Ảnh: K.P

Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng, hàng năm, xã tiến hành khảo sát thực trạng tình hình đời sống của người dân, từ thuận lợi, khó khăn đến nhu cầu về vốn, việc làm, nguyện vọng học nghề.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi.

Đồng thời, những vấn đề có liên quan đến lợi ích của người nghèo và những mong muốn thoát nghèo được xã quan tâm giải quyết, thông qua xây dựng kế hoạch với những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Ông Phan Văn Thiện-Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Hàng năm, xã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo.

Cùng với đó, xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, về tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng dân cư và ý thức tự lực vươn lên; triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 7 về nâng cao năng lực thực hiện chương trình năm 2024; Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”.

Mặt khác, các tổ chức chính trị-xã hội của xã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau. Trong đó, các hội, đoàn thể tích cực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Đồng thời, vận dụng các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà tình thương; hỗ trợ hội viên con giống, cho mượn tiền không tính lãi, giúp nhau phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình.

Trước đây, cuộc sống gia đình anh Rơ Châm Hrủih (làng Bui) gặp không ít khó khăn. Chính quyền địa phương tạo điều kiện để anh Hrủih vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền 40 triệu đồng. Anh Hrủih đã mua 2 con bò và 1 cặp dê giống về nuôi. Đến nay, gia đình anh sở hữu 6 con bò và 17 con dê.

Anh Hrủih bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi không còn cảnh thiếu ăn như trước đây nữa, đời sống ngày một ổn định. Nhờ đàn gia súc mà gia đình có điều kiện lo cho con cái ăn học. Vừa rồi, gia đình xây dựng được căn nhà kiên cố”.

1-nho-su-ho-tro-cua-chinh-quyen-dia-phuong-gio-day-cuoc-song-cua-gia-dinh-anh-hruih-on-dinh.jpg
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cuộc sống của gia đình anh Rơ Châm Hrủih (làng Bui) đã dần ổn định. Ảnh: K.P

Còn anh Rơ Châm Kruk (cùng làng Bui) thì chia sẻ: Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nước nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, địa phương hỗ trợ anh Kruk học nghề lái xe.

Anh Kruk cho hay: “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm cho đi học nghề lái xe, đồng thời giới thiệu việc làm, tôi có mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Đây là động lực để tôi cố gắng làm việc, chăm lo cuộc sống gia đình”.

Ông Rơ Châm Bin-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bui-cho biết: “Làng có 189 hộ với 790 khẩu, trong đó có 16 hộ nghèo, 88 hộ cận nghèo. Năm 2023, làng giảm được 2 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Với mục tiêu giảm 2-4 hộ nghèo và 7-10 hộ cận nghèo trong năm 2024, ngay từ đầu năm, làng đã tiến hành rà soát hộ nghèo theo các tiêu chí, đồng thời tổ chức họp dân để lựa chọn đối tượng hỗ trợ, giúp hộ nghèo từng bước vươn lên trong cuộc sống. Những hộ được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi đều được cán bộ xã hướng dẫn làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt”.

Các chương trình an sinh xã hội cũng được địa phương quan tâm thực hiện tốt. Nhân dịp lễ, Tết, xã vận động hàng chục triệu đồng tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, từ đầu năm đến nay, xã đã cấp 3.885 cây cà phê giống, 10.500 kg phân bón cho 11 hộ nghèo, cận nghèo làng Mrông Yố 2; cấp 500 cây giống sầu riêng, 11 tấn phân hữu cơ, 300 kg phân urê, 800 kg phân lân Văn Điển, 240 kg phân kali cho 8 hộ cận nghèo làng Mrông Ngó 3; cấp 2 con bò cho 2 hộ nghèo, cận nghèo làng Mrông Yố 1; cấp 5 con bò cho 5 hộ nghèo, cận nghèo làng Jruăng; cấp 24 con bò cho 24 hộ nghèo, cận nghèo làng Bui; cấp 19 con bò cho 19 hộ nghèo, cận nghèo làng Bluk Blui.

Đồng thời, xã cũng cấp 29 bồn nước cho các hộ nghèo trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng lúa cho 25 hộ dân; cấp 11 tấn lúa giống, 33 tấn vôi cho 358 hộ dân.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ia Ka thông tin: Nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau như: hỗ trợ cây-con giống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ gia đình.

Thời gian tới, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống để giảm nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm