(GLO)- Cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước, những năm qua, Gia Lai rất chú trọng thu hút đầu tư và xem công tác này là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trong năm 2018, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, toàn tỉnh có 34 dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn khoảng 3.955 tỷ đồng và 32 dự án quy mô lớn được nhà đầu tư quan tâm. Trên thực tế, một số dự án được nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động.
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh đầu tư dự án trồng hồ tiêu bằng công nghệ nông nghiệp thông minh tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Ảnh: Hà Duy |
Những kết quả nêu trên đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, địa phương. Trên cơ sở định hướng của tỉnh, các hoạt động xúc tiến đầu tư liên tục được tổ chức và mang lại hiệu quả bước đầu. Với vai trò “tham mưu trưởng” trong lĩnh vực quan trọng này, Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư, như: nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án; tổ chức các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư...
Đặc biệt, sau khi tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Gia Lai-Tiềm năng-Hợp tác-Phát triển” vào cuối năm 2016, trong năm 2018, tỉnh ta liên tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Đó là hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh ngày 27-5-2018. Trước đó, ngày 4-4-2018, tại TP. Pleiku cũng đã diễn ra hội thảo “Kiến tạo các chuỗi giá trị quan trọng cho hai nền kinh tế Việt Nam và Australia”. Trong năm, tỉnh cũng đã tổ chức hoạt động quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương tại Cộng hòa Séc và Nhật Bản. Không dừng lại ở đó, theo kế hoạch, ngày 23-11 tới, tỉnh ta phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ngay tại TP. Hồ Chí Minh. Với hình thức xúc tiến đầu tư mới mẻ này, tỉnh đang hướng tới mục đích kêu gọi các nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh và các đối tác của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (cả nhà đầu tư nước ngoài) đến đầu tư tại Gia Lai. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư trong tỉnh sẽ tìm kiếm cơ hội làm ăn tại trung tâm kinh tế “đầu tàu” của cả nước.
Tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng công tác thu hút đầu tư vẫn chưa như kỳ vọng.
Lý giải về thực tế này, theo các nhà đầu tư, tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng Gia Lai vẫn bộc lộ không ít hạn chế về điều kiện khách quan như: do xa các thành phố lớn, xa cảng, xa đường sắt nên chi phí vận chuyển tăng cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo cao... Bên cạnh đó, Gia Lai chưa có chế độ ưu đãi đặc thù nên chưa thu hút nhiều nhà đầu tư.
Thu hút đã khó, giữ chân các nhà đầu tư càng khó hơn. Do khó khăn về tài chính hoặc nhiều nguyên nhân khác nên việc triển khai dự án của một số nhà đầu tư còn chậm, cá biệt có nhà đầu tư không thể triển khai dự án buộc UBND tỉnh phải thu hồi quyết định đầu tư.
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, thời gian qua, các ngành và địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư nhưng vẫn còn một số “điểm nghẽn” trong thực tế. Theo đó, các địa phương trong tỉnh chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần cho nhà đầu tư khi tiếp cận tìm kiếm cơ hội đầu tư. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, một số địa phương chưa hiểu rõ quy trình, thủ tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều ngành, địa phương thì vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa mặn mà trong xúc tiến đầu tư, còn tồn tại “tư duy nhiệm kỳ”. Khi triển khai dự án, nhà đầu tư chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, áp giá cho thuê đất...
Nguồn lực đầu tư từ bên ngoài được ví như chiếc bánh. Nếu địa phương nào có chiến lược thu hút đầu tư bài bản, có giải pháp tốt thì được phần nhiều hơn. Cùng với việc phát huy nội lực, thu hút đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu của tỉnh ta hiện nay cũng như trong dài hạn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các ngành và địa phương trong tỉnh cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương cần nhanh chóng tháo bỏ “tư duy nhiệm kỳ” nhằm xây dựng chiến lược thu hút đầu tư một cách căn cơ với tầm nhìn dài hạn để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư. Trước mắt, các sở, ban, ngành liên quan cần tích cực tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư sắp tới, đặc biệt là tạo sự chú ý cao nhất đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại diễn đàn quan trọng này.
Duy Lê