Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định phát triển doanh nghiệp công nghệ số là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tiếp cận nền tảng công nghệ mới.



Công ty Điện lực Gia Lai là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số dựa trên những yêu cầu thực tiễn. Công ty hiện đang quản lý vận hành 11 trạm biến áp 110 kV với công suất 536 MVA, 347 km đường dây 110 kV, 4.745 km đường dây trung áp, 4.845 km đường dây hạ áp và 5.068 trạm biến áp với tổng công suất 1.291 MVA, cấp điện cho trên 418.000 khách hàng và nước bạn Campuchia. Với khối lượng quản lý lớn và địa bàn trải rộng, việc áp dụng chuyển đổi số là nhiệm vụ cần thiết để tối ưu hóa công việc, nâng cao năng suất lao động.

Công ty Điện lực Gia Lai triển khai tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy
Công ty Điện lực Gia Lai triển khai tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy


Ông Nguyễn Phương Nam-Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Công ty Điện lực Gia Lai) cho hay: Công ty đang triển khai kế hoạch chuyển đổi số. Theo đó, nhiều phần mềm, ứng dụng đã được đưa vào quản lý kỹ thuật; quản lý độ tin cậy cung cấp điện; phân tích mô phỏng lưới điện phân phối… Đặc biệt, qua triển khai ứng dụng công nghệ số, đơn vị đã kết nối được 277 thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp; 9 trạm biến áp trung gian; 12 trạm biến áp 110 kV không người trực; 12 nhà máy thủy điện; giám sát Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa; điều khiển Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc.

Để tạo ra nông sản chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động thực hiện ứng dụng chuyển đổi số. Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: “Đơn vị đã cấp 41 mã số vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn 12 huyện, thị xã và 8 cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu”. Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao và 4 dự án nằm trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện thực hiện chuyển đổi số, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Tại hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động và kế hoạch thi đua ngành Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2021-2025 diễn ra mới đây, bà Bùi Thu Thủy-Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp-nhấn mạnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đăng tải đầy đủ những kiến thức, thông tin về chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại địa chỉ https://digital.business.gov.vn. Cùng với đó, triển khai thu thập, kết nối thông tin các đơn vị có nhu cầu chuyển đổi số để cung cấp giải pháp, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số. Sắp tới, Bộ sẽ triển khai các chương trình đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các nền tảng số phù hợp với quy mô, ngành nghề và giai đoạn phát triển của đơn vị.

 VNPT Gia Lai giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ công tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thụy
VNPT Gia Lai giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ công tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thụy
Ông Lương Minh Huân-Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam): Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thuận lợi trong chuyển đổi số, địa phương cần phải xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương.

Mới đây, VNPT Gia Lai cũng đã giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ công tác chuyển đổi số. Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm kiếm, chủ động lựa chọn và tích hợp các dịch vụ, giải pháp số phù hợp với nhu cầu như: phần mềm hệ thống quản lý nhà hàng trong công tác thu ngân, quản lý, thống kê và báo cáo; phần mềm quản lý kho hàng, bến bãi; hệ thống quản lý kênh phân phối và bán hàng tập trung; phần mềm hệ thống quản lý điểm bán lẻ; quản lý các khu du lịch, lịch các tour du lịch…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tình-Giám đốc Phòng Khách hàng tổ chức-doanh nghiệp của VNPT Gia Lai-cho biết: “VNPT Gia Lai đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ và Hội Nữ doanh nhân tỉnh để thông tin về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch tổ chức hội thảo liên quan tới vấn đề này cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự kiến diễn ra trong tháng 11-2021”.

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp từng bước tiếp cận nền tảng công nghệ mới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp số. Cùng với đó, hình thành, phát triển các doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

 

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm