Xã hội

Gia Lai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2022-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Kế hoạch số 1022/KH-UBND gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu của Đề án là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS), tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên (106,2) trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017-2020 đã đạt được những kết quả qua các năm: 2015 (108), 2016 (107,3), 2017 (107), 2018 (106,8), 2019 (106,2). Vậy, để kiểm soát tốc độ gia tăng TSGTKS hàng năm ở mức 106,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống đến năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) và giảm dần tình trạng cục bộ tại cơ sở. UBND tỉnh yêu cầu phải truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS; cung cấp đầy đủ, thường xuyên các thông tin về tình trạng MCBGTKS, nguyên nhân và hệ lụy cho cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, người có uy tín trong cộng đồng và các tầng lớp nhân dân; triển khai hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng MCBGTKS, lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là giới và bình đẳng giới bằng các hình thức tiếp cận và thông điệp phù hợp. 
Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua Zalo, Facebook…; gắn các banner truyền thông trên các trang web có nhiều người truy cập để tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS và các quy định của pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền, chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về MCBGTKS; lồng ghép các nội dung về kiểm soát MCBGTKS tại các trường học; xây dựng, thử nghiệm và mở rộng triển khai các mô hình; các hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn về kiểm soát MCBGTKS. Đồng thời, chú ý chính sách khuyến khích, hỗ trợ như động viên, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tuyên truyền về phòng-chống bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Thanh Nhật
Tuyên truyền về phòng-chống bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Thanh Nhật
Ngoài ra, UNND tỉnh cũng yêu cầu các sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án giai đoạn 2022-2025; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch Đề án. Gắn kết chặt chẽ Kế hoạch Đề án với các chương trình khác của ngành y tế và chương trình có liên quan do các Sở, ban ngành, đoàn thể chủ trì thực hiện. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan; chủ trì, phối hợp triển khai có hiệu quả hoạt động giáo dục dân số/sức khỏe sinh sản, giới, giới tính và bình đẳng giới trong nhà trường.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo công tác tuyên truyền về kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh; tổ chức giám sát việc thực hiện Kế hoạch; chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép thực hiện Kế hoạch của tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ được giao, các quy định về chính sách DS-KHHGĐ trong lĩnh vực ngành, tổ chức hoạt động; giám sát việc thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Y tế-cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh) trước ngày 10-12 hàng năm để theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2022 đến năm 2025.
HÀ SỰ

Có thể bạn quan tâm