Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai tiếp tục đột phá về môi trường đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh thuận lợi, các cấp chính quyền trong tỉnh Gia Lai đã chủ động, quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, trong đó, cải cách thủ tục hành chính vẫn được xem là khâu đột phá.

 Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa Gia Lai và các địa phương của Nhật Bản”. Ảnh: Hà Duy
Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa Gia Lai và các địa phương của Nhật Bản”. Ảnh: Hà Duy

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Theo đó, mọi thông tin về đầu tư kinh doanh cần được công khai minh bạch, công bằng; những khó khăn, vướng mắc được nhanh chóng tiếp nhận và tháo gỡ; xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện với DN, nhà đầu tư. Tại buổi làm việc với các nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: “Chính quyền tỉnh Gia Lai luôn đồng hành cùng cộng đồng DN trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư. Mọi khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư, UBND tỉnh luôn chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan kịp thời nắm bắt để xử lý, giải quyết”.

Thời gian qua, các DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã được quan tâm hơn, thủ tục hành chính cải thiện đáng kể. Qua đó, DN được tiếp cận những yếu tố cơ bản phục vụ sản xuất kinh doanh như: mặt bằng, vốn tín dụng, giấy phép xây dựng... Bà Nguyễn Thị Lan Hương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc-đánh giá: “Nói về môi trường đầu tư của Gia Lai, tôi cho rằng tỉnh có tầm nhìn, chiến lược phát triển rõ ràng, năng động, đổi mới và sáng tạo. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh rất thân thiện, chân thành”.

Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh của các DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Đây cũng là lý do để tỉnh triển khai đánh giá, khảo sát theo 10 chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI). Năm nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)-Chi nhánh Đà Nẵng đã có thêm một khảo sát khác về hoạt động sản xuất kinh doanh và đánh giá của DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã về việc thực hiện hỗ trợ DN ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo DDCI tỉnh Gia Lai năm 2021, trong gần 1.000 DN được khảo sát thì có tới 47% DN cho biết các chính sách hỗ trợ đã kịp thời.

Tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Hà Duy
Tỉnh Gia Lai tiếp tục kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Hà Duy


Tuy nhiên, vẫn còn 20% DN cho biết chính sách ban hành chậm trễ, chủ trương là có nhưng thực thi rất chậm; 27% DN cho biết không thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Hay tại đánh giá chỉ số thành phần tính năng động của lãnh đạo tỉnh, 14,9% DN được hỏi cho rằng “Có hiện tượng trì hoãn, chậm trễ từ sở, ban, ngành khi thực hiện các quyết định, chủ trương của cấp trên”. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh cần được tiếp tục cải thiện.

Thực tế cho thấy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn song hành cùng công tác cải cách hành chính. Bởi lẽ, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều đầu mối đã tạo rào cản lớn đối với người dân, DN. Đây cũng là môi trường dễ phát sinh tiêu cực hoặc những chi phí không chính thức, làm không ít nhà đầu tư nản lòng. Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Điệp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Shinec-nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, những yếu tố tiên quyết và là nền tảng bền vững để thu hút đầu tư là giải quyết một cách nhanh chóng các chính sách, thủ tục trong thu hút đầu tư”.

Trong khi đó, VCCI khuyến nghị Gia Lai nên học tập Quảng Ninh ở mô hình “5 tại chỗ”: tiếp nhận-thẩm định-phê duyệt-đóng dấu-trả kết quả và “5 thật”: phải ứng xử chân thành để doanh nghiệp suy nghĩ thật, DN nói thật, chính quyền hành động thật, các nỗ lực của tỉnh có kết quả thật, người dân, DN được thụ hưởng thật. Hay cách phối hợp nhịp nhàng trong tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của DN ở Ninh Thuận một cách nhanh chóng. Còn ở Vĩnh Phúc, với nỗ lực đạt mục tiêu “3 tốt” gồm: môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, phục vụ doanh nghiệp tốt đã giúp tỉnh này từ vị trí 29 năm 2020 lên vị trí thứ 5 năm 2021 trên bảng xếp hạng PCI. Trong đó, cải cách mạnh mẽ TTHC được coi là khâu đột phá.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm