Cách đây gần 10 năm, TP.HCM đã đề xuất miễn học phí đối với học sinh (HS) công lập cấp THCS. Tuy nhiên, thời điểm đó, Bộ Tài chính không đồng tình với lý do TP.HCM là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao, với mức học phí 85.000 - 100.000 đồng mỗi tháng không phải quá lớn. Luật Giáo dục 2005 chỉ quy định miễn học phí đối với cấp tiểu học, do đó miễn học phí các cấp khác thuộc thẩm quyền Quốc hội. Hơn nữa, việc miễn học phí riêng cho HS công lập THCS ở TP.HCM sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS trên địa bàn thành phố và các địa phương khác.
Việc Bộ Tài chính lúc bấy giờ không đồng tình với đề xuất của TP.HCM là dựa trên cơ sở làm đúng theo luật Giáo dục. Tuy nhiên nó cũng cho thấy vẫn còn tư duy "công bằng theo kiểu cào bằng".
Trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội hiện nay, một mặt, chúng ta cần một chính sách, một định hướng chung để đảm bảo sự công bằng, nhưng đồng thời cũng rất cần sự năng động, sáng tạo của mỗi địa phương, của từng gia đình và thậm chí của mỗi con người.
Đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo cần có những định hướng, chủ trương, chính sách phát triển chung nhằm tạo sự công bằng trong cả nước, nhưng cũng cần tạo điều kiện cho một số địa phương, đơn vị có điều kiện sẽ đi trước để có kinh nghiệm phổ biến, lan rộng cho các địa phương khác.
Luật giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1.7.2020, quy định miễn học phí cấp THCS, trẻ mẫu giáo 5 tuổi, nhưng giao cho Chính phủ quy định lộ trình. Nghị định 81/2021 ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, quy định: Tất cả HS mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025 và HS THCS được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026. Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương tiên phong miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Với quyết sách này, một số địa phương không chỉ về đích trước theo lộ trình của Chính phủ, mà còn vượt qua cả luật Giáo dục, khi miễn học phí đối với HS mẫu giáo dưới 5 tuổi và học sinh cấp THPT, học viên giáo dục thường xuyên cấp THPT. Từ đây cũng cần đặt ra vấn đề nên sửa đổi luật Giáo dục theo hướng các địa phương được quyền miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
TP.HCM trở thành địa phương thứ 9 trong cả nước cùng với Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc và Yên Bái thực hiện chính sách miễn học phí cho toàn bộ trẻ mầm non và HS phổ thông. Đừng nghĩ rằng chỉ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng học phí mỗi tháng là quá nhỏ vì đối với con em lao động nghèo, đây vẫn là khoản chi phí lớn.
Riêng đối với TP.HCM, dân cư đông, địa bàn rộng, số người nhập cư lớn, cơ hội học tập của con em lao động nghèo vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, mỗi năm, ngân sách thành phố chi hơn 1.000 tỉ đồng để miễn học phí là một nỗ lực lớn. Miễn học phí cho HS tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm, từng bước tiến tới giáo dục bắt buộc 12 năm như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Đây là chính sách lớn đầu tư vào con người, phát triển con người VN để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, để việc miễn học phí thực sự có ý nghĩa, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương trong cả nước cùng thực hiện, tạo sự công bằng chung đối với mọi người dân, để ai ai cũng được học hành như nguyện ước của Bác Hồ từ năm 1946.
Theo Hồ Sỹ Anh (TNO)