Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai: Tiêu chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, tại một số vùng chuyên canh cây tiêu như Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh và Ia Grai nhiều vườn tiêu đang xanh tốt bỗng dưng rụng lá xanh, ngã màu rồi chết khô sau khi được chủ vườn tiến hành phun thuốc. Cây chết trong lúc cho quả khiến nông dân thất thu, nhiều gia đình trông mong vào vụ này để trả nợ...

Phòng bệnh cây chết càng nhanh    

Để chăm bón cho cây tiêu đủ sức khi cây đang ra quả, ông Lê Viết Long (thôn Hòa Thuận, Ia Phang, Chư Pưh, Gia Lai) là chủ của vườn tiêu trên 2.000 trụ đã mua một số loại thuốc tưới cho vườn cây và cũng để phòng bệnh chết nhanh chết chậm cho cây, nhưng theo ông Long, sau 5 ngày phun thuốc gần cả ngàn cây xuất hiện hiện tượng rụng lá, quả làm gia đình ông không kịp đường xoay trở.
 

Cây tiêu cho thu nhập và năng suất cao nếu làm đúng quy trình và hướng dẫn chuyên môn. Ảnh: Nguyễn Giác
Cây tiêu cho thu nhập và năng suất cao nếu làm đúng quy trình và hướng dẫn chuyên môn. Ảnh: Nguyễn Giác

Ông Long chủ vườn có tiêu bị rụng lá, quả cho biết: Ngày 1-10, tôi phun thuốc hỗ trợ và ngăn ngừa cây mắc bệnh chết nhanh, chết chậm cho vụ tiêu mới, ông kết hợp giữa sản phẩm Agri-Fos 400 của Công ty phát triển công nghệ sinh học Dona-Techno và sản phẩm Manozeb 80wp của Công ty cổ phần nông dược 2. Cả hai loại này được ông Long mua tại đại lý Thái Văn Sơn ở cùng thôn và được ông sử dụng theo đúng hướng dẫn. Tuy nhiên, điều không mong đợi lại đến khi 1.000 trụ tiêu đang tốt thì quả, lá thi nhau rụng. “Trồng tiêu 10 năm nay, tôi sử dụng hai loại này nhiều lần cây xanh vẫn tốt, tôi nghĩ lô hàng này có vấn đề”- ông Long quả quyết.

Tương tự trường hợp ông Long, chủ vườn Phạm Khắc Vĩnh (thôn Thắng Cường, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đang phải loay hoay để tìm cách cứu 200 trụ tiêu bốn năm tuổi của mình khi cây có dấu hiệu rụng lá, quả sau khi phun thuốc trừ sâu.

Theo ông Vĩnh: Chuẩn bị thu hoạch, tôi sử dụng thuốc trừ sâu Dragon 585 EC trộn với phân bón lá Bioking-L, ba ngày sau thì những trụ tiêu được phun bằng dung dịch trên xảy ra hiện tượng vàng lá, rụng quả, chết cây, dù từ trước ông vẫn dùng hỗn hợp này để phun cây vẫn tươi tốt.

Trước đó, vào thời điểm 2-2012 hiện tượng này cũng đã xảy ra tại các vườn tiêu của các hộ dân tại xã Ia Vê (Chư Prông) khi cây bỗng dưng rụng lá, chết khô. Đến 6-2012 lại xảy ra hiện tượng trên tại các xã Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa (Chư Pưh). Theo ước tính, số trụ tiêu chết tại các địa phương với cùng dấu hiệu bệnh phải lên đến con số hàng ngày trụ, trong khi với mỗi 1.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch và giá ở mức 120-140 ngàn đồng/kg, người nông dân sẽ phải mất đi thu nhập gần nữa tỷ đồng. Trong khi đó, theo giải thích của các cán bộ nông nghiệp thì cho rằng tiêu chết là do nấm gây hại, vườn cây bị ngập úng, phun thuốc không đúng liều lượng…

Với sự lý giải này, nhiều nông dân phản bác: Chúng tôi không dại gì lại lấy tài sản lớn của gia đình mình ra để đánh đổ, dù không nắm rõ, nhưng qua nhiều năm trồng chuyên canh loại cây này ai cũng nắm được những điều nên làm hay là không đối với vườn cây. Rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, và có hay không đang tồn tại thuốc bảo vệ thực vật giả trên thị trường?

Cây tiêu cần được quy hoạch và trồng đúng quy trình

Nhằm làm rõ nguyên nhân cũng như có cách giải quyết thỏa đáng với vườn cây của mình, các đại diện công ty cung cấp sản phẩm, trạm bảo vệ thực vật Chư Pưh đã có cuộc họp vào ngày 5-10, tại đây, theo ông Long chủ vườn tiêu này, thuốc Manozeb 80wp sao lại có màu xanh thay vì trước đây là màu vàng. Chúng tôi nghi ngờ trong đó có hàm lượng đồng nên làm cây rụng trái. Điều này trái ngược hoàn toàn với ý kiến từ đại diện công ty cung cấp sản phẩm vì cho rằng sản phẩm này không phải là hàng giả, màu xanh trong thuốc là chất phụ gia không chứa sunfat đồng. Cuộc họp đã thống nhất đưa ra các phương án: kiểm định chất lượng thuốc, phun trình diễn lại kiểm tra, hỗ trợ sản phẩm phục hồi vườn tiêu.
 

Vườn tiêu rụng lá khiến ông Long gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Giác
Vườn tiêu rụng lá khiến ông Long gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Giác

Để có cách lý giải từ cơ quan chuyên môn, Chiều 10-10, qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Tú- Phó Chi Cục trưởng- Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai được biết: Hiện trên địa bàn vẫn chưa phát hiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả, nếu cá nhân nào phát hiện sớm báo để cơ quan chuyên môn can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Riêng về các vườn tiêu có nhiều trụ cây rụng lá, quả sau khi phun thuốc điều này cần kiểm tra, kiểm định rõ. Khi gặp hiện tượng rụng lá như trên, người dân nên sớm báo cho cán bộ nông nghiệp tại các trạm để được hỗ trợ kỹ thuật, cứu sớm vườn cây tránh thiệt hại lớn.

Theo nhận định của ông Tú: Cây tiêu chết hàng loạt tại nhiều vùng trong thời gian qua có thể rút ra các nguyên nhân: Nguồn bệnh tích lũy; vườn cây già cỗi; vườn tiêu trồng không đúng quy trình; chăm sóc, bón phân quá lạm dụng và sử dụng quá nhiều phân hóa học.

Cây tiêu không dễ tính, giống cây này cần có chế độ chăm sóc kỹ, một khi biện pháp phòng, trừ kết hợp không đúng dễ dẫn đến suy yếu vườn cây và chết dần. Nhiều nông dân thường sử dụng cách phun hỗn hợp nhưng điều này được khuyến cáo, đến khi cây chết lại cho rằng pha đúng cách để tưới cây- ông Tú nói.

Việc quy hoạch vùng tiêu chưa cụ thể, người dân vì lợi ích kinh tế ồ ạt san đất đào hố, trồng trụ để cây tiêu nhanh phát triển và mau cho thu hoạch, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, quy hoạch vùng cho cây tiêu phát triển một cách bền vững, tạo thu nhập lâu dài cho nông dân.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm