Kinh tế

Đắng lòng nhìn tiêu chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Pưh là huyện có diện tích cây hồ tiêu lớn của Gia Lai. Nhưng những năm gần đây cùng với việc ồ ạt trồng mới thì nhiều vườn hồ tiêu bị chết hoặc sinh trưởng chậm dẫn đến không cho thu hoạch hoặc thu hoạch nhưng năng suất rất thấp. Tiêu chết chủ yếu vào những tháng mưa nhiều, nhưng năm nay nỗi lo của người dân đến sớm hơn khi mới bắt đầu vào mùa mưa nhưng hiện tượng tiêu chết đã xuất hiện ở các xã: Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa,…

Theo ông Kpă Long-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh thì: “Tiêu chết qua mỗi năm có chiều hướng gia tăng mặc dù Phòng đã hướng dẫn khắc phục, giúp người dân phòng ngừa, ngăn chặn như phun thuốc trừ sâu bệnh, đổ thuốc vào gốc để diệt các loại vi khuẩn trong lòng đất. Nhưng hiệu quả đem lại vẫn chưa cao, diện tích tiêu chết vẫn tăng theo từng năm”.
 

Vườn tiêu bị chết của ông Phú. Ảnh: Q.T
Vườn tiêu bị chết của ông Phú. Ảnh: Q.T

Ông Trung, ở thôn Thiên An, xã Ia Blứ đang nhổ những dây tiêu đã bị úa vàng để chuẩn bị đất trồng lại tiêu mới, nói: “Từ đầu mùa mưa đến giờ, vườn tiêu của gia đình tôi chết lên đến 500 gốc. Cộng với năm 2011 thì số tiêu chết đã lên đến cả 1.000 gốc trên tổng số 1.500 gốc. Đã làm mọi cách, như phun thuốc, đổ thuốc diệt vi khuẩn chống bệnh thối gốc rễ nhưng cũng không giảm”. Ông cho biết thêm, mặc dù giá tiêu những năm gần đây tương đối cao nhưng sản lượng thu hoạch trên diện tích còn lại cũng không bù đắp được số tiền đầu tư ban đầu cho cây tiêu của gia đình. Dẫu vậy nhưng cây tiêu vẫn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đánh liều trồng lại và sẽ đầu tư, cải tạo đất lại kỹ lưỡng hơn như thuê máy xới đất, làm giàn che nắng và sương muối, phun thuốc, bón phân hữu cơ, phân chuồng, vôi khử vi khuẩn… trước khi trồng.

Ông Phú, ở thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, buồn bã bên vườn tiêu nhiễm bệnh chết nhanh (bệnh thối gốc rễ) nói: “Thấy tiêu chết tôi xót lắm nên tìm mọi cách từ kinh nghiệm của mình, nghe bà con chỉ gì đều làm theo nhưng biện pháp gì cũng không mang lại hiệu quả. Năm 2009, gia đình tôi đã chặt gần 1.000 gốc cà phê già cỗi cho năng suất thấp để trồng hơn 1.000 gốc tiêu nhưng tiêu sinh trưởng chậm, khi lên nửa trụ thì “đứng” không phát triển nữa, còn số tiêu đã cho thu hoạch thì cứ chết dần theo từng năm. Đặc biệt, năm nay mới chỉ có vài trận mưa mà cây tiêu đã lần lượt vàng úa rồi chết đi rất nhanh, đến nay số tiêu chết nhanh đã lên tới gần 400 gốc rồi”.

Rất nhiều người trồng tiêu phải đón nhận nỗi buồn khi chỉ mới trải qua những cơn mưa đầu mùa khác như: Ông Hồ Đắc (chết lên tới 1.500 gốc), ông Nguyễn Văn Linh (500 gốc), ông Nguyễn Điền (250 gốc),… Phía trước còn cả một mùa mưa-thời điểm mà người trồng tiêu sống trong nỗi lo tiêu chết.

Tiêu chết ngày càng tăng nhưng nguyên nhân thì chưa xác định và vì vậy cũng chưa có loại thuốc đặc trị. Tuy vậy diện tích cây tiêu trồng mới vẫn tăng chóng mặt, thậm chí có nhiều hộ đi vay để trồng tiêu. Đây quả thật là một sự mạo hiểm bởi nguy cơ nợ nần, nghèo đói luôn tiềm ẩn, treo lơ lửng trên đầu những người nông dân.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm