GLO)- Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Lai vừa tổ chức tuyên dương 120 công nhân viên chức-lao động (CNVC-LĐ) giỏi giai đoạn 2021-2022. Tuy về công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng bằng sự nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, mỗi người trong số họ đã có những sáng kiến, giải pháp mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch LĐLĐ tỉnh-cho biết: Thi đua lao động giỏi là nội dung quan trọng của phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ. Mục tiêu của phong trào là nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường. Phong trào đã lan tỏa rộng khắp tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đóng vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Những sáng kiến đem lại nhiều lợi ích
Lĩnh vực nông nghiệp có 18 tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí. Trong số đó, chị Đào Thị Thu Hà-cán bộ điều hành bộ phận máy tách hạt điều của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Gia Lai có 2 sáng kiến: “Sàng đá” và “Sử dụng những vật đã dùng để tái sản xuất”. Chị Hà cho hay: “Hai sáng kiến của tôi được áp dụng rộng rãi trên toàn hệ thống Chi nhánh Olam Việt Nam. Được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về những sáng kiến của mình, tôi rất vinh dự và tự hào, xem đây là nguồn động viên lớn để cố gắng hơn nữa trong công việc, có thêm nhiều sáng kiến mới mang lại lợi ích cho đơn vị”.
Tương tự, 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật: “Cải tạo hệ thống phân phối hơi gia nhiệt nước mía” và “Vệ sinh tuýp falling bằng máy nén nước cao áp” của anh Nguyễn Tiến Phong-công nhân Nhà máy Đường An Khê (Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) được áp dụng trong toàn hệ thống, mỗi năm làm lợi cho nhà máy hàng trăm triệu đồng. Sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện đánh giá vật tư, thiết bị thu hồi” của anh Lê Hoàng Quang Thái-cán bộ Công ty Điện lực Gia Lai cũng được công nhận và ứng dụng rộng rãi trong toàn Công ty, mỗi năm làm lợi khoảng 300 triệu đồng.
Chị Đào Thị Thu Hà (bìa trái)-Chi nhánh Công ty TNHH Olam Gia Lai bên sáng kiến của mình. Ảnh: Đinh Yến |
Với sáng kiến “Cải tiến khắc phục lại dây chuyền chiết rót nước tinh khiết đóng bình 20 lít/bình từ hệ thống chiết rót thủ công sang chiết rót tự động, đồng thời súc tráng bằng nước tinh khiết ở nhiệt độ 80 độ C”, anh Bùi Hữu Bộ-cán bộ Công ty cổ phần Thương mại Nam Gia Lai đã mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị. Anh Bộ cho biết, việc rót nước thủ công tốn công lao động và chi phí gấp 3-4 lần so với khi chuyển sang tự động. “Qua 2 năm vận hành, hệ thống hoạt động ổn định, đảm bảo được đặc tính kỹ thuật, không để xảy ra sự cố nào làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như quá trình sản xuất, góp phần giảm chi phí 11 triệu đồng/tháng”-anh Bộ chia sẻ.
Trên lĩnh vực dịch vụ-thương mại-ngân hàng, đội ngũ cán bộ, CNVC-LĐ cũng hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động giỏi, không ngừng tự học, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào công tác chuyên môn. Ở lĩnh vực này có 6 tấm gương được tuyên dương, tiêu biểu là anh Cao Quốc Toàn-cán bộ Phòng Tin học (Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh). Từ năm 2015 đến năm 2021, anh Toàn có 10 sáng kiến được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam quyết định công nhận. Trong đó, tiêu biểu là sáng kiến “Nâng cấp các hệ thống điều hành máy tính, cập nhập ID có chứa mã độc vào thiết bị mạng để ngăn ngừa hệ thống không bị nhiễm virus” đang áp dụng rộng rãi tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.
Hết mình vì hiệu quả công việc
Cùng với phong trào thi đua nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn làm tốt công tác tập hợp, bảo vệ và chăm lo lợi ích của đoàn viên. Các Công ty TNHH một thành viên Cao su: Chư Sê, Chư Păh, Mang Yang, Chư Prông đều tích cực hưởng ứng các phong trào do LĐLĐ tỉnh và Công đoàn ngành phát động hàng năm như: “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”... Từ các phong trào đã xuất hiện những tấm gương cán bộ tiêu biểu như ông Vương Đức Thông-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, ông Trần Văn Tiến-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, ông Nguyễn Thanh Hải-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh, ông Lê Huy Phu-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Họ đều có nhiều cách làm hay, cụ thể, thiết thực góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi trong CNVC-LĐ của đơn vị.
Ông Vương Đức Thông cho biết: “Những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cao su gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự quan tâm của Ban Giám đốc Tổng Công ty, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, tôi luôn quan tâm tổ chức tốt các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống cho người lao động. Được tuyên dương là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao”.
Ông Vương Đức Thông (bìa phải)-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê trao tiền hỗ trợ xây nhà "Mái ấm Công đoàn" cho gia đình công nhân Rơ Lan Nguyên (làng Del, xã Ia Glai, huyện Chư Sê). Ảnh: Đinh Yến |
Nhiều CNVC-LĐ đã nỗ lực vượt khó trong công việc, có những sáng kiến trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Lê Thanh Bình-Trưởng khoa Dược và Cận lâm sàng (Trung tâm Y tế Cao su Chư Sê) đã cải tiến phương pháp cấp phát thuốc, giúp giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người lao động khi đến khám và nhận thuốc điều trị.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cũng đã vận dụng, gắn kết chặt chẽ các phong trào thi đua như: “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Cán bộ, công chức nói không với tiêu cực” với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”. Từ năm 2020 đến nay, chị Đỗ Thị Hòa-Kiểm sát viên Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) đã có 3 sáng kiến, giải pháp được công nhận cấp cơ sở. Trong đó, giải pháp “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng, phát hành bộ sách điện tử Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản hướng dẫn thi hành” đang được đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công nhận sáng kiến cấp ngành. Sáng kiến của chị Hòa giúp ngành Kiểm sát tỉnh tiết kiệm chi phí mua sách in trên 125 triệu đồng/năm.
Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương CNVC-LĐ tiêu biểu. Ảnh: Đinh Yến |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao và mong muốn LĐLĐ tỉnh tiếp tục có những phong trào thi đua hiệu quả vì sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Qua kênh giám sát, phản biện của mình, LĐLĐ tỉnh cần tiếp tục có những sáng kiến tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh.
|
Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” gắn với tình thương yêu, cảm hóa học sinh. Cô Mai Thị Thúy-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Lợi (xã Ayun, huyện Chư Sê) thông tin: “Hiện tại, nhà trường vẫn còn lớp ghép, việc duy trì sĩ số gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn trong quá trình dạy và học. Do đó, hàng ngày, ngoài giờ dạy học, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp phải đến từng nhà vận động phụ huynh đưa con em đến lớp. Đặc biệt, từ khi có thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đánh giá học sinh, tôi đã tìm tòi nghiên cứu phương pháp đánh giá học sinh dựa vào quá trình học tập, rèn luyện, sự phát triển một số năng lực, phẩm chất, giúp giáo viên chủ nhiệm dễ dàng nhận biết sự tiến bộ của học sinh”.
Ở lĩnh vực y tế, việc triển khai phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đã gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Đề án “Nâng cao y đức”. Hưởng ứng phong trào, đội ngũ y-bác sĩ đã tích cực nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề ra nhiều giải pháp nâng cao tay nghề, áp dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật mới, hiện đại vào công tác khám và điều trị bệnh, nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ cho người bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và thanh toán điện tử, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong 2 năm (2020-2021), toàn ngành có hơn 190 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận, nghiệm thu chất lượng và áp dụng hiệu quả, trong đó có 2 đề tài đạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh; 1 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay, đội ngũ y-bác sĩ, nhân viên y tế đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy, ngày đêm nỗ lực, tận tụy tham gia tuyến đầu chống dịch, góp phần cùng tỉnh và cả nước chiến thắng đại dịch.
ĐINH YẾN