Theo đó, chiến dịch với mục tiêu chung tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng-chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mục tiêu cụ thể có từ 95% đối tượng chưa được tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định được tiêm 1 mũi vắc xin Sởi-Rubella; đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng.
Đối tượng tiêm là trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn, bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương. Nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trạm Y tế xã, phường, thị trấn tiến hành điều tra, lập danh sách các đối tượng thuộc chiến dịch, bao gồm trẻ tại trường học và trong cộng đồng, kể cả trẻ vãng lai tại địa bàn quản lý, tránh bỏ sót đối tượng, đặc biệt ở những vùng có biến động dân cư. Mỗi đối tượng sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin Sởi-Rubella. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị bệnh nhân nghi Sởi lập danh sách nhân viên y tế có nguy cơ chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi theo quy định
Được biết, tại tỉnh Gia Lai, đến tháng 8-2024, toàn tỉnh ghi nhận 33 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 4 trường hợp dương tính xác định Sởi tại huyện Đức Cơ và TP. Pleiku; 3 trường hợp dương tính Rubella tại huyện Đức Cơ, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku.
Kết quả đánh giá nguy cơ Sởi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy Gia Lai là 1 trong 7 tỉnh có nguy cơ Sởi cao. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh Sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng- chống dịch Sởi năm 2024 tại Gia Lai là vấn đề cấp thiết.