Xã hội

Gia Lai triển khai giải pháp cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 1053 /UBND-NL về việc thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Cụ thể: yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những nội dung có liên quan thuộc thẩm quyền; Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư. Định kỳ trước ngày 30-6 hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chim nghệ trong Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường công tác phổ biến kiến thức pháp luật và các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; những quy định của pháp luật về quản lý, ngăn chặn nạn săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư.
Đối với Công an, Cục Quản lý Thị trường tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư; tăng cường công tác quản lý, xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư. Bên cạnh đó, giao Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động, phối hợp với các đơn vị kiểm dịch kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển trái phép xuyên biên giới; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia; nâng cao nhận thức của nhân dân về việc không săn, bắt, nuôi, nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vận động người dân không được săn, bắt, bẫy, bắn; không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh trái pháp luật; thực hiện các quy định về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra; yêu cầu sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phổ biến cho các thành viên tham gia tích cực và giám sát quá trình thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; định kỳ trước ngày 15-6 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
HÀ SỰ

Có thể bạn quan tâm