Xã hội

Gia Lai triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.

Chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 là “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Thời gian triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5-2022 trên phạm vi toàn tỉnh.

Đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh nước uống đóng bình (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Như Nguyện


Mục tiêu của Tháng hành động là tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Đồng thời, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm, củng cố niềm tin của người dân. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Tháng hành động sẽ diễn ra với các hoạt động chính gồm: triển khai chiến dịch truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm; hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm, nghiêm túc, quyết liệt trong xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong đó, hoạt động tuyên truyền hướng đến các đối tượng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và người tiêu dùng thực phẩm bằng nhiều kênh truyền thông khác nhau… Công tác kiểm tra sẽ tập trung xem xét các nội dung: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng lý bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý liên quan; nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; điều kiện về trang-thiết bị, dụng cụ, con người; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết…

 




 

KIỀU PHAN

 

Có thể bạn quan tâm