Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai ứng phó mưa bão với phương châm "4 tại chỗ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão nên trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa với lượng mưa đo được 20-50 mm. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt.
Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Mưa gió trong những ngày qua đã làm hơn 2.107 ha lúa bị ngã đổ. Đến nay, người dân đã thu hoạch trên 70% diện tích. Phòng tiếp tục vận động người dân khẩn trương thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, thống kê cụ thể diện tích thiệt hại để đề xuất hỗ trợ theo quy định.
Đáng chú ý, tối 17-10, mưa gió đã làm tốc mái một phần trụ sở UBND xã Ia Peng và làm hư hỏng nhà để xe của Trường THCS Trần Quốc Toản (thị trấn Phú Thiện). Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ sửa chữa, khắc phục tạm thời.
Tại huyện Ia Pa, ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Ia Pa là vùng rốn lũ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các điểm dọc theo bờ sông Ba, sông Ayun, suối Đak Pi Hao (xã Chư Răng), cầu Kliếc (xã Pờ Tó)... Do đó, Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện xây dựng các phương án, chuẩn bị lực lượng, vật tư, bố trí các điểm để di dời người dân khi cần thiết, sẵn sàng ứng phó với lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.
“Đến thời điểm này, tình hình mưa bão trên địa bàn huyện chưa gây ảnh hưởng gì nhiều, mọi sinh hoạt và sản xuất của người dân vẫn được đảm bảo. Đồng thời, người dân tranh thủ khi nắng ráo để thu hoạch hoa màu”-ông Hùng cho hay. 
Lực lượng dân quân xã Ia Broăi (huyện Ia Pa) kiểm tra trang-thiết bị phòng-chống bão lũ. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng dân quân xã Ia Broăi (huyện Ia Pa) kiểm tra trang-thiết bị phòng-chống bão lũ. Ảnh: Lê Nam
Trong khi đó, tại huyện Kbang, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cũng thông tin: Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, trên địa bàn huyện có hơn 30 ha lúa bị ngã đổ. Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo các địa phương vận động người dân khẩn trương thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không lội qua suối, ngầm và ở lại nương rẫy khi mưa lũ; bố trí lực lượng hướng dẫn và hạn chế người qua lại. Tại thị trấn Kbang có 28 hộ dân sống gần sông Ba nơi có nguy cơ bị sạt lở. Vì vậy, huyện đã xây dựng phương án để di dời đến vị trí an toàn khi cần thiết.
Tương tự, UBND huyện Krông Pa đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp thực hiện chế độ trực chỉ huy 24/24 giờ. “Đồng thời, thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook để triển khai công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn, buôn và đến với người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của thiên tai và chủ động phòng tránh”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đinh Xuân Duyên cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy về công tác phòng-chống thiên tai) cho biết: Trong những ngày qua, lượng mưa trên địa bàn tỉnh là 20-50 mm, có nơi trên 70 mm và mực nước trên các sông suối dao động 0,2 m đến 0,5 m. Song đến thời điểm này, công tác chủ động và sẵn sàng ứng phó với mưa lũ được các cấp, các ngành triển khai kịp thời.
“Đặc biệt, chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân tổ chức thu hoạch lúa, hoa màu đã đủ độ chín, nhất là các khu vực ven sông suối để tránh thiệt hại và tiêu thoát nước đồng ruộng, tránh ngập úng. Tổ chức các lực lượng ứng trực tại các ngầm, cầu tràn, các đoạn đường có nguy cơ xảy ra ngập lũ để hướng dẫn nhân dân trong việc qua lại, tránh thiệt hại về người. Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”. Đến thời điểm này, các điểm xảy ra sự cố sạt lở đã được khắc phục”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm