Điểm đến Gia Lai

SỔ TAY PHÓNG VIÊN:

Gia Lai xã hội hóa nhà ở xã hội đang “nghẽn”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát triển nhà ở xã hội là một chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, Gia Lai đã nỗ lực kêu gọi xã hội hóa nhà ở xã hội, nhưng bao năm qua “mảng” này vẫn “nghẽn”.

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 của cả nước vào khoảng 2.400.000 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.240.000 căn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 1.160.000 căn.

Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku)-một khu nhà ở xã hội được xây dựng khá lâu của Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku)-một khu nhà ở xã hội được xây dựng khá lâu của Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Theo đó, Chính phủ đã triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” cùng với Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung/dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tại Gia Lai, tuy chưa có con số chính thức về nhu cầu nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, song thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, giai đoạn 2022-2025, tỉnh dự kiến sẽ đầu tư xây dựng 1.500 căn, giai đoạn 2026-2030 đầu tư xây dựng 2.200 căn, riêng trong năm 2024 là 184 căn.

Cùng với đó, Gia Lai cũng đã kêu gọi đầu tư một số dự án nhà ở xã hội trong các dự án như: Dự án khu nhà ở xã hội tại Khu Công nghiệp Trà Đa; dự án nhà ở công nhân trong Khu Công nghiệp Nam Pleiku; dự án nhà ở xã hội trích từ 20% quỹ đất của dự án nhà ở tại khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh, khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh, khu dân cư Chư Hdrông...

Thông tin tỉnh kêu gọi xã hội hóa nhà ở xã hội đã “thắp” hy vọng cho khá nhiều người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP. Pleiku. Chị Lê Thị Lành (đang ở trọ tại nhà trọ Hoa Hồng-hẻm 253 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Nhà cha mẹ tôi ở huyện Chư Prông. Do không có đất đai để canh tác nên tôi ra Pleiku xin làm công nhân ở Khu công nghiệp Trà Đa đã 6 năm rồi. Tôi mong muốn sẽ có ngôi nhà của riêng mình, nhất là khi đã lập gia đình, rồi sinh con, nhưng gia đình hai bên đều khó khăn nên việc sở hữu 1 ngôi nhà thực sự là ước mơ khá xa vời. Tôi mong Pleiku sớm có những khu nhà ở xã hội hay khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp để chúng tôi có cơ hội được an cư, ổn định cuộc sống”.

Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là niềm hy vọng không chỉ chị Lành mà bao công nhân khác nhưng gần như không có ở Gia Lai. Có nhà đầu tư thẳng thắn: "Đầu tư nhà ở xã hội thì cần vốn đầu tư lớn, nhưng thu vào lại nhỏ giọt, biết khi nào mới thu lại vốn mà làm?! Chưa kể, đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, vấn đề lớn nhất vẫn là ở cơ chế-chính sách, quy trình-thủ tục. Các quy định quá phức tạp, rườm rà, thiếu hướng dẫn chi tiết khiến doanh nghiệp quan tâm tới nhà ở xã hội nản lòng”.

Nhiều công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Trà Đa đang ở trọ và mong được mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi. Ảnh: Hà Duy
Nhiều công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Trà Đa đang ở trọ và mong được mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi. Ảnh: Hà Duy

Một bài báo gần đây trên Báo Gia Lai cũng từng thông tin, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh như BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank… đã dành riêng gói tín dụng (thuộc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng) cho các đối tượng mua nhà ở xã hội với lãi suất chỉ 1,5-2%, nhưng tới nay, các gói này vẫn “bất động” do không có dự án nhà ở xã hội nào được triển khai.

Theo tìm hiểu, ở nhiều nước trên thế giới (như Singapore, Australia…), việc xây dựng các chương trình nhà ở xã hội là trách nhiệm của nhà nước. Còn sự tham gia của các nhà đầu tư là ở phần xây dựng, vận hành, quản lý… Ở những khu nhà này, người thu nhập thấp có thể thuê dài hạn với giá ưu đãi, hoặc cho nhóm người có thu nhập trung bình thấp mua với giá ưu đãi. Điều này có nghĩa là nhà nước phải đóng vai trò “chủ đạo” để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nhà ở với chi phí phù hợp với thu nhập.

Theo số liệu từ nền tảng dữ liệu về chi phí sống Numbeo đo lường "Tỷ số giá nhà trên thu nhập" (House Price to Income Ratio-HPR), hiện giá nhà trung bình ở Việt Nam gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm hộ gia đình, trong khi mức lý tưởng rơi vào khoảng chỉ 5-7 lần (tỷ lệ này ở Mỹ là 4,1 lần; Malaysia là 8,5 lần, Nhật Bản là 10 lần; Singapore là 14,9 lần và Hàn Quốc là 19,9 lần).

Nhà ở là hạ tầng thiết yếu cho an sinh xã hội, tương tự như đường sá, điện, nước. Có lẽ giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng cường vai trò của nhà nước-tựa như xây một ngôi nhà, nhà nước chịu trách nhiệm xây phần thô, các phần hoàn thiện còn lại sẽ do các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia.

Có thể bạn quan tâm