Hiện nay, giá các loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, khiến người sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đắk Nông gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, nhiều hộ nông dân đã kết hợp các biện pháp kỹ thuật, sử dụng phân vi sinh để giảm chi phí đầu tư.
Theo ông Trần Văn Kiên, phường Nghĩa Đức (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), trong 3 năm qua, giá phân bón liên tục tăng cao. Riêng năm nay, giá các loại phân tăng từ 20-40% so với năm ngoái.
Cụ thể, phân NPK 16-16-8 có giá 890.000 đồng/bao, tăng gần 400.000 đồng so với niên vụ cà phê 2019; phân DAP giá 1,2 triệu đồng/bao, tăng 300.000 đồng; Kali đỏ 860.000 đồng/bao, tăng 520.000 đồng…
Điều này khiến chi phí sản xuất của gia đình ông tăng cao. Do đó, ông buộc phải chuyển đổi cách thức sản xuất, chăm sóc cây trồng để giảm bớt chi phí đầu tư.
Ông Nguyễn Thành, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) sử dụng xác bã đậu nành ủ phân bón giúp giảm được chi phí đầu tư |
Cụ thể, thay vì chuyên bón phân hóa học cho vườn cà phê, gia đình ông đã chuyển sang một phần phân hữu cơ. Gia đình ông cũng làm cành, vặt chồi, xạc cỏ...kỹ càng hơn để vườn cây bớt tiêu hao lượng phân, nước tưới.
Còn ông Nguyễn Văn Tuân, ở thị trấn Đắk Mil (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), cho biết, nguồn thu chính của gia đình ông phụ thuộc vào 2 ha cà phê.
Những năm về trước, khi mà vườn cây còn sung sức, bình quân mỗi vụ, ông thu về hơn 8 tấn cà phê nhân.
Vài năm gần đây, ông phải cắt giảm lượng phân bón để giảm chi phí sản xuất, nên năng suất vườn cà phê cũng giảm xuống.
Trước thực tế này, ông đã thay đổi cách chăm sóc vườn cà phê. Ông tự tạo nguồn phân hữu cơ để bón cho vườn cây.
Ông còn áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cà phê theo sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Nhờ đó, vụ mùa năm nay, vườn cà phê đã bảo đảm năng suất, chi phí chăm sóc không còn cao như trước.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, nhiều hộ nông dân đã sử dụng các loại vật liệu hữu cơ như vỏ cà phê, bã đậu nành, rỉ mật mít, xác cá nước ngọt… để làm phân bón chăm sóc cây trồng.
Cách làm của bà con là tự ủ theo quy trình được ngành Nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn và đã qua thực nghiệm trước đó.
Phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hòa dung dịch đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Thành ở thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết, nhờ ủ phân hữu cơ, nên gia đình ông giảm được chi phí đầu tư rất nhiều. Vườn cây được bón phân hữu cơ cũng sinh trưởng, phát triển mạnh, ít nấm bệnh.
Cũng theo ông Thành, chi phí để tạo 1 kg phân hữu cơ chỉ mất khoảng 2.000 đồng, trong khi phân hóa học lên tới 9.000 đồng/kg. Thậm chí, chất lượng phân hữu cơ còn tốt hơn, mang lại nhiều tác dụng hơn.
Lãnh đạo Sở NNPTNT cho biết, trước khó khăn do giá vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón tăng cao, ngoài việc tăng cường sử dụng nguồn phân hữu cơ, nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong canh tác.
Trong đó, đối với sản xuất lúa, ngô, rau màu, bà con cần đẩy mạnh sử dụng các loại giống mới, ứng dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… để bảo đảm hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí.
Trong sản xuất cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, bà con cần chú trọng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ theo phương pháp "4 đúng". Từ đó, có thể duy trì chăm sóc vườn cây tốt, không tốn nhiều chi phí.
Văn Tâm (Báo Đắk Nông)