Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Già Ram tâm huyết với văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ giỏi đan lát, ông Ram (làng Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) còn biết chế tác và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Bahnar. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn tâm huyết truyền dạy cho lớp trẻ với mong muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Ram cho biết, ông thường đan 2 loại gùi: nan khít và nan thưa. Ảnh: R'Ô Hok
Ông Ram cho biết, ông thường đan 2 loại gùi: nan khít và nan thưa. Ảnh: R'Ô Hok
Vừa trò chuyện với chúng tôi vừa đan từng thanh nan vào chiếc gùi, ông Ram cho biết: Lúc nhỏ, do ham thích việc đan lát nên ông thường qua nhà rông để học những người già trong làng. Về nhà, ông cũng kiếm mấy ống tre tự chẻ lạt, vót nan, tập đan lồng chim, rổ rá... Đến năm 18 tuổi, ông trở thành một người đan lát có tiếng của làng. “Ngoài việc làm nương rẫy, những lúc nông nhàn, đa số bà con trong làng đều biết làm các dụng cụ như: gùi, rá, giỏ, nơm...”-ông Ram bày tỏ.
Để có một sản phẩm hoàn thiện và đẹp mắt, ông Ram phải mất nhiều thời gian để tìm những cây tre, lồ ô vừa ý. Ông còn phải làm công đoạn khác nữa là pha tre, chẻ lạt, vót nan, đan rồi nhuộm màu, trang trí họa tiết... Tính ra, để hoàn thành một sản phẩm phải mất 3-4 ngày.
Thông thường, mỗi sản phẩm, ông bán với giá 200.000-250.000 đồng. Vì vậy, nhiều khách hàng đến tìm mua. Anh Lênh (làng Hrêl, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho hay: “Trong làng mình giờ ít người biết đan gùi, thúng, nia. Vì vậy, mình thường qua già Ram đặt mua về dùng. Mình thấy sản phẩm của già làm đẹp và chắc chắn”.
Ông Ram đan rất nhiều loại đồ dùng, mỗi loại có công dụng riêng, đồng thời tùy theo kích cỡ giá cả cũng khác nhau. Riêng về gùi thì ông thường đan 2 loại, nan khít và nan thưa. Loại nan khít dùng để đựng đồ, đựng hạt lúa, hạt bắp; còn loại nan thưa thì dùng để gùi bình đựng nước, gùi củi hay những vật dụng nặng hơn. Thường thì gùi nan khít sẽ trang trí họa tiết, hoa văn nhiều và dễ hơn so với nan thưa.
Ông Trịnh Thanh Dũng-Chủ tịch UBND xã Ayun: “Ông Ram không chỉ tích cực, nhiệt tình với công việc chung mà còn là nghệ nhân giỏi, góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống. Chúng tôi luôn quan tâm, hỗ trợ ông Ram trong việc lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Để không mai một nghề đan truyền thống, ông Ram mở lớp dạy đan lát cho 20-30 thanh niên trong làng vào dịp cuối tuần. Anh Rai chia sẻ: “Do không biết đan nên tôi thường mua mấy đồ nhựa ở ngoài chợ, nhưng chỉ dùng được thời gian ngắn là hỏng. Nhờ già Ram chỉ dạy tận tình mà bây giờ tôi biết đan một số vật dụng thiết yếu nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí”.
Không chỉ giỏi trong việc đan lát, ông Ram còn biết chế tác và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, đặc biệt là đàn ting ning. Ông cho biết: Đàn ting ning là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Bahnar. Là người biết chế tác và chơi nhạc cụ, ông luôn khuyến khích và truyền cảm hứng cho thanh niên trong làng cùng tìm hiểu, học chơi nhạc. Ông luôn mong muốn làm sao để có thể lưu giữ và truyền lại những nét văn hóa truyền thống đó cho thế hệ mai sau.
Ông Ram trăn trở: “Bây giờ, đa số thanh niên trong làng đi làm ăn xa nên lớp học đan lát, đánh nhạc cụ cũng không còn đông vui như trước nữa. Tôi rất mong chính quyền địa phương có giải pháp để thu hút lớp trẻ theo đuổi nghề truyền thống, lưu giữ nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
Với trách nhiệm là Trưởng ban Công tác Mặt trận làng, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm