Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Gia tăng bệnh học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, qua đợt khám sàng lọc tại 6 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh cho thấy tỷ lệ học sinh mắc bệnh tật học đường có chiều hướng gia tăng.

Báo động tình trạng cong, vẹo cột sống ở học sinh

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Phương Việt Hằng (Khoa Sức khỏe môi trường-Y tế học đường-Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thông tin: Từ ngày 16-9 đến 4-10, Trung tâm đã tiến hành khám nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh học đường cho 2.238 học sinh của 6 trường học trên địa bàn các huyện: Đak Đoa, Krông Pa và Chư Sê. Kết quả, 964 em bị sâu răng vĩnh viễn, chiếm 43,1%; 995 em bị cong, vẹo cột sống, chiếm 44,4%; 435 em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm 19,4% và 328 em bị suy dinh dưỡng thể gầy còm, chiếm 14,7%...

1-bac-si-trung-tam-kiem-soat-benh-tat-tinh-kham-sang-loc-benh-tat-hoc-duong-tai-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-tieu-hoc-le-loi-xa-ayun-huyen-chu-se-anh-nhu-nguyen.jpg
Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám sàng lọc bệnh tật học đường tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lê Lợi (xã Ayun, huyện Chư Sê). Ảnh: N.N

Ngoài khám sàng lọc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kết hợp khảo sát điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh trường học và nhận thấy có mối liên quan đến tỷ lệ mắc các bệnh: khúc xạ; cong, vẹo cột sống. Nguyên nhân do trường học không đủ ánh sáng, kích cỡ bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi, không đúng quy cách ảnh hưởng đến tư thế ngồi của học sinh.

“Khi cột sống bị cong vẹo, trọng tâm của cơ thể bị lệch khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi hoạt động. Ngoài ra, lồng ngực có thể bị biến dạng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tim, phổi và khung chậu gây khó khăn cho việc sinh nở khi các em đến tuổi làm mẹ. Cong, vẹo cột sống còn khiến người bệnh bị mặc cảm về ngoại hình”-bác sĩ Hằng cho biết.

Ngoài cong, vẹo cột sống, nhiều trường hợp học sinh mắc tật khúc xạ và bất thường về mắt như: rung giật nhãn cầu bẩm sinh, chấn thương mắt, lé, sụp mi bẩm sinh, nhược thị… ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Qua khám sàng lọc còn phát hiện nhiều em mắc các bệnh lý về răng miệng, sâu răng vĩnh viễn; trong đó có không ít trường hợp sâu răng cần được điều trị chuyên khoa để kịp thời hạn chế diễn tiến của bệnh. Tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi và gầy còm ở học sinh cũng chiếm tỷ lệ cao.

Tăng cường phòng-chống bệnh học đường

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lê Lợi (xã Ayun, huyện Chư Sê) có tỷ lệ học sinh bị suy dinh dưỡng và cong, vẹo cột sống ở mức cao. Thậm chí, có trường hợp học sinh mắc cùng lúc nhiều bệnh học đường. Qua khám sàng lọc 462 học sinh thì có 163 em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm 35,5%; 187 em bị suy dinh dưỡng thể gầy còm, chiếm 40,5% và 130 em bị cong, vẹo cột sống, chiếm 28,1%.

1-trung-tam-kiem-soat-benh-tat-tinh-kien-nghi-nganh-giao-duc-tang-cuong-phong-chong-benh-tat-hoc-duong-dam-bao-suc-khoe-cho-hoc-sinh-anh-nhu-nguyen.jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiến nghị ngành Giáo dục tăng cường phòng-chống bệnh tật học đường, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Như Nguyện

Thầy Lê Ngọc Tĩnh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lê Lợi-chia sẻ: 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số. Ayun là xã khó khăn nhất huyện Chư Sê. Nhiều gia đình do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện chăm sóc con cái đầy đủ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, chưa đảm bảo cho công tác dạy và học, thiếu phòng học, các phòng chức năng…

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa), qua thăm khám, phát hiện 254/431 học sinh bị sâu răng vĩnh viễn, chiếm 58,9%; 160 học sinh bị cong, vẹo cột sống, chiếm 37,2%...

Thầy Phí Văn Tuấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Sau khi có kết quả khám sàng lọc bệnh tật học đường, Ban Giám hiệu nhà trường nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng-chống theo khuyến cáo của ngành Y tế và phổ biến đến phụ huynh, học sinh phối hợp thực hiện. Ngoài ra, nhà trường cùng Trạm Y tế xã tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn học sinh và phụ huynh vấn đề phòng bệnh tật học đường cũng như chăm sóc sức khỏe cho các em trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, công tác phòng-chống bệnh tật học đường, đảm bảo sức khỏe cho học sinh rất cần được quan tâm triển khai thường xuyên. Vì vậy, các trường cần tạo điều kiện để nhân viên y tế hoặc nhân viên kiêm nhiệm y tế cập nhật kiến thức chuyên môn để chăm sóc sức khỏe học sinh. Nhà trường cần lập sổ theo dõi sức khỏe, gửi phiếu khám bệnh về gia đình để phụ huynh nắm bắt, chủ động chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Phối hợp với cơ sở y tế triển khai công tác khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho học sinh, cộng đồng về các bệnh tật học đường… Sở Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo các phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng quy cách, kích cỡ phù hợp. Ngoài ra, quan tâm tuyển dụng nhân viên y tế trường học để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Có thể bạn quan tâm