Du lịch

Hành trang lữ hành

Gia tăng giá trị du lịch nội đô Hải Phòng cùng các công trình kiến trúc nổi bật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Sở Du lịch Hải Phòng, 9 tháng qua, ngành Du lịch ước đón và phục vụ 7.125.799 lượt khách, tăng 13,65% so với cùng kỳ năm trước, đạt 78,3% so với kế hoạch năm.

Nhà hát thành phố Hải Phòng. (Nguồn: Thành phố Hải Phòng)
Nhà hát thành phố Hải Phòng. (Nguồn: Thành phố Hải Phòng)

Các công trình kiến trúc nổi bật xây dựng từ thời Pháp thuộc trong khu vực nội đô thành phố Hải Phòng góp phần quan trọng trong gia tăng giá trị thương hiệu du lịch nội đô thành phố Cảng, đặc biệt là khi các cơ quan thuộc thành phố tổ chức những sự kiện nổi bật ở khu vực này.

Thu hút du khách dựa vào giá trị cốt lõi

Hai trong số nhiều công trình kiến trúc thời pháp thuộc ngành Văn hóa, Thể thao Hải Phòng phát huy giá trị là Nhà hát thành phố và Bảo tàng Hải Phòng.

Theo tài liệu của Bảo tàng Hải Phòng, thành phố Hải Phòng thành lập ngày 19/7/1888 theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp và được xếp loại ngang với thành phố Hà Nội và Sài Gòn. Cũng trong những năm này, người Pháp đẩy mạnh xây dựng Cảng Hải Phòng.

Cùng với xây dựng thành phố, người Pháp còn cho xây dựng các công trình văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ của tư bản Pháp và quan lại bản xứ, tư sản Việt Nam, trong đó có Nhà hát thành phố.

Qua các giai đoạn lịch sử, Nhà hát thành phố là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của thành phố Cảng, nơi diễn ra những sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt là vào dịp lễ, Tết.

Từ năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, phần lớn các số sân khấu thuộc "Đề án sân khấu truyền hình" tổ chức định kỳ hằng tháng đều diễn ra tại Nhà hát thành phố.

Từ khi triển khai đến nay, rất nhiều tác phẩm kinh điển trong nước, thế giới công diễn tại đây như: Vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" của Đại thi hào Victor Hugo, "Jomeo và Juliet", "Macbeth" của Đại thi hào William Shakespeare, nhạc kịch "Bỉ vỏ" của Nhà văn Nguyên Hồng... thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến xem trực tiếp và gián tiếp qua phương tiện truyền thông.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng cho biết, thông qua việc tổ chức các vở diễn thuộc "Đề án sân khấu truyền hình", ngành Văn hóa - Thể thao góp phần quan trọng trong phát huy vai trò của không gian văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, tạo không gian lưu giữ, phát triển và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của Nhà hát thành phố, một trong những Di tích quốc gia về văn hóa kiến trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 2015.

Một công trình kiến trúc khác nhiều du khách ghé thăm là Bảo tàng Hải Phòng. Khởi đầu, đây là trụ sở của Ngân hàng Pháp-Hoa. Năm 1958, Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Bảo tàng và ngày 20/12/1959, Bảo tàng Hải Phòng chính thức khánh thành, mở cửa phục vụ nhân dân.

Theo bà Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử. Để thu hút nhiều du khách tới thăm, Bảo tàng Hải Phòng luôn đổi mới cách thức tổ chức các đợt trưng bày như kết hợp với bảo tàng các tỉnh để người dân, du khách được chiêm ngưỡng đa dạng hiện vật, trải nghiệm không gian văn hóa phong phú.

Bảo tàng Hải Phòng cũng tổ chức nhiều đợt trưng bày theo chuyên đề, trong đó các đợt trưng bày cổ vật là Bảo vật quốc gia thu hút rất đông du khách trong nước, quốc tế. Năm 2023, Bảo tàng Hải Phòng đón 41.000 lượt khách, 6 tháng đầu năm 2024 đón 18.663 lượt khách.

Chị Fatima Zahra, du khách đến từ Maroc cho biết, sau khi kết thúc chương trình học Thạc sĩ tại Trung Quốc, chị cùng em gái quyết định sang Việt Nam du lịch trước khi về nước. Chị chọn Hải Phòng do có những điểm tương đồng với thành phố Casablanca, quê hương của chị.

Khi đến đây, chị tới thăm một số địa điểm như Nhà hát thành phố, Bưu điện thành phố và vào thăm Bảo tàng Hải Phòng. Chị rất ấn tượng với không gian kiến trúc của các công trình này cũng như sự thân thiện, mến khách của người dân Hải Phòng.

Phát huy giá trị của du lịch nội đô Hải Phòng

Theo Đề án Tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tháng 7/2024, du lịch nội đô là một trong những sản phẩm du lịch cốt lõi của Hải Phòng.

Cụ thể, thành phố tiếp tục phát huy mạnh mẽ loại hình Foodtour, Hải Phòng City tour, khai thác giá trị kiến trúc, văn hóa ẩm thực khu vực đô thị lõi, mở rộng liên kết phát triển du lịch đường sông gắn với lịch sử phát triển lâu đời của Cảng Hải Phòng.

Cũng theo Đề án này, Lễ hội Hoa Phượng đỏ tổ chức hằng năm, du lịch Foodtour triển khai từ năm 2022 tăng cường vai trò mạnh mẽ của du lịch nội đô trong chiến lược phát triển du lịch thành phố Cảng. Du khách đến khu vực nội đô chiếm khoảng 20% tổng lượng du khách đến Hải Phòng.

Đây cũng là khu vực tập trung khoảng 19% cơ sở lưu trú và 25% cơ sở vật chất của du lịch Hải Phòng và là nơi tập trung nhiều khách sạn 5 sao nhất, rất có lợi thế trong phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm).

Ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, để tiếp tục phát huy lợi thế của du lịch nội đô, ngành Du lịch Hải Phòng đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới trong khu vực nội đô là Chương trình du lịch bằng tàu hỏa thăm Cảng Hải Phòng và Chương trình du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường và hướng nghiệp dành cho học sinh trên địa bàn thành phố.

Từ nay đến cuối năm, ngành tiếp tục tổ chức Chương trình quảng bá du lịch "Hải Phòng thứ 7 rong chơi" trong quý 4/2024 cũng như hoàn thành xây dựng video clip quảng bá du lịch Hải Phòng và một số nội dung khác.

Theo Sở Du lịch Hải Phòng, 9 tháng qua, ngành Du lịch ước đón và phục vụ 7.125.799 lượt khách, tăng 13,65% so với cùng kỳ năm trước, đạt 78,3% so với kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế là 752.234 lượt, tăng 0,69% so cùng kỳ. Các khu vực thu hút nhiều du khách nhất là Đồ Sơn, Cát Bà và nội thành.

Theo Minh Thu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm